Bộ Tài chính cho rằng: Số lượng quốc gia áp dụng thuế GTGT/thuế hàng hóa và dịch vụ ngày càng tăng, từ khoảng 140 nước năm 2004 lên 160 nước năm 2014, 166 nước năm 2016. |
Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) vừa phát đi những kiến nghị liên quan đến việc Bộ Tài chính Báo cáo định hướng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN), thuế tài nguyên...
Quốc tế tăng, ta cũng tăng?
Giải thích lý do muốn tăng thuế VAT từ 10% lên 12%, Bộ Tài chính cho rằng: Số lượng quốc gia áp dụng thuế GTGT/thuế hàng hóa và dịch vụ ngày càng tăng, từ khoảng 140 nước năm 2004 lên 160 nước năm 2014, 166 nước năm 2016.
Cùng với việc tăng số lượng các nước sử dụng thuế GTGT để điều tiết tiêu dùng cũng như tăng số thu ngân sách, thì xu thế tăng thuế suất GTGT diễn ra phổ biến.
Từ năm 2009 - 2016, các nước đều tăng thuế suất phổ thông. Cụ thể thuế suất trung bình tại các nước EU năm 2000 là 19%, đến năm 2014 mức thuế suất trung bình xấp xỉ 21,5%. Các nước OECD cũng có xu hướng tăng thuế suất thuế GTGT từ mức trung bình 18% năm 2000 lên khoảng 19% năm 2014 và hơn 19% vào năm 2016.
Các nước châu Á cũng có xu hướng cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng tăng tỷ trọng thuế tiêu dùng trong tổng thu ngân sách từ việc tăng thuế GTGT, như Philippines, Ấn Độ, Nhật Bản,...
Theo thống kê Ngân hàng Thế giới, qua thống kê mức thuế suất của 112 nước, có 88 nước có mức thuế suất từ 12% đến 25% (trong đó 56 nước có mức thuế suất từ 17% đến 25%), còn lại 24 nước phổ biến ở mức hơn 10%. Các nước xung quanh như Lào, Indonesia, Campuchia cũng có mức thuế suất phổ biến là 10%; Trung Quốc có mức thuế suất phổ thông là 17% và mức ưu đãi là 13%. Philippines có mức thuế suất 15%.
Tăng thuế VAT và lo ngại “đội giá” nhà
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, tại khoản 6 Điều 5 Luật thuế GTGT hiện hành quy định “Chuyển quyền sử dụng đất” thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT là hoàn toàn đúng cả về mặt pháp luật (để không xảy ra tình trạng thuế chồng thuế), phù hợp với tình hình thực tiễn, và có lý có tình, nhất là trong trường hợp chuyển nhượng nhà ở gắn liền với chuyển quyền sử dụng đất.
Ông Châu lý giải, tiền sử dụng đất dự án nhà ở là một khoản thu ngân sách nhà nước (gần tương tự như một khoản thuế) mà chủ dự án đã nộp. Khi bán nhà ở kèm theo chuyển quyền sử dụng đất thì chủ dự án không phải nộp thuế GTGT (nghĩa là người mua nhà không phải trả thêm khoản thuế này) theo quy định tại khoản 6 điều 5 Luật thuế GTGT.
Nay, dự thảo Luật dự kiến áp dụng thuế GTGT khi chuyển quyền sử dụng đất thì sẽ dẫn đến tình trạng "thuế chồng thuế", làm tăng giá bán nhà mà người mua phải gánh thêm. Do vậy, đơn vị này kiến nghị không áp dụng thuế GTGT khi chuyển quyền sử dụng đất thì hợp tình hợp lý hơn.
Việc tăng thuế VAT khiến HoREA lo ngại sẽ dẫn đến mặt bằng giá nguyên nhiên vật liệu, nhận thầu thi công, nhân công... tăng lên, kéo theo giá bán nhà cũng tăng.
Về dự kiến nâng thuế suất thuế GTGT đối với lĩnh vực kinh doanh BĐS theo 3 phương án: phương án 1 từ 10% lên 12%; phương án 2 tăng theo lộ trình lên 12% kể từ ngày 1/1/2019 và 14% từ ngày 1/1/2021, Chủ tịch HoREA kiến nghị giữ nguyên thuế suất thuế GTGT là 10% từ nay đến năm 2021 thì phù hợp hơn.
"Thuế GTGT có tác động rất lớn đối với nền kinh tế, tất cả doanh nghiệp, cũng như cuộc sống của người dân. Hiệp hội nhận thấy trong các nước Asean thì Indonesia, Lào, Campuchia cũng áp dụng thuế suất GTGT 10%; Singapore 7%, Thái Lan 5%.
Đối với thị trường BĐS, đặc biệt là nhà ở sử dụng hàng ngàn sản phẩm của hơn 90 ngành sản xuất, thi công xây dựng, kinh doanh, dịch vụ. Việc đề xuất tăng thuế GTGT lên 12% kể từ ngày 1/1/2019 theo phương án chọn của Bộ Tài chính sẽ dẫn đến mặt bằng giá nguyên nhiên vật liệu, nhận thầu thi công, nhân công...tăng lên, giá bán nhà tăng lên", ông Châu phân tích.
Không chỉ ảnh hưởng đến giá trị BĐS, trên thực tế, loại thuế này thực chất là đánh vào người tiêu dùng và hàng triệu người sẽ bị ảnh hưởng.
Hiệp hội BĐS TP.HCM cũng kiến nghị xếp hoạt động kinh doanh BĐS vào lĩnh vực sản xuất; lĩnh vực sản xuất áp dụng tỷ lệ 6 lần vốn chủ sở hữu (6:1); các lĩnh vực còn lại áp dụng tỷ lệ 5 lần vốn chủ sở hữu (5:1).
Về ưu đãi thuế đối với hoạt động đầu tư, cải tạo chung cư cũ, lãnh đạo HoREA kiến nghị áp dụng ưu đãi thuế GTGT ở mức 5% tương tự như ưu đãi thuế GTGT đối với các dự án nhà ở xã hội để khuyến khích và hỗ trợ các chủ đầu tư tham gia chương trình cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ.