VN-Index trước mối lo suy thoái kinh tế

Trong tuần trước, bất chấp những biến động mạnh trên thị trường chứng khoán (TTCK) thế giới, chỉ số VN-Index vẫn tăng nhẹ 0,58% so với tuần trước đó, đóng cửa tuần tại 980 điểm. Đặc biệt, phiên giao dịch ngày 15-8 diễn ra rất kịch tính khi chỉ số giảm mạnh đầu phiên nhưng hồi phục rất tốt về cuối phiên, giúp trấn an tâm lý nhà đầu tư.
Việc khối ngoại liên tiếp bán ròng gần đây cùng với khoảng trống thông tin hiện hữu đang khiến khả năng VN-Index chinh phục cột mốc 1.000 điểm trở nên không dễ dàng. Ảnh minh họa Thành Hoa
Việc khối ngoại liên tiếp bán ròng gần đây cùng với khoảng trống thông tin hiện hữu đang khiến khả năng VN-Index chinh phục cột mốc 1.000 điểm trở nên không dễ dàng. Ảnh minh họa Thành Hoa

Dòng tiền trong tuần trước vẫn tập trung vào nhóm cổ phiếu Viettel và khu công nghiệp. Ngoài ra, một số cổ phiếu thuộc ngành ngân hàng, chứng khoán cũng đang hồi phục trở lại. Trong khi đó, một số blue-chips tăng nóng như FPT, MWG, PNJ đã có dấu hiệu bị chốt lời mạnh trong phiên cuối tuần.

Thanh khoản là điểm trừ khi giá trị khớp lệnh bình quân trên sàn HOSE chỉ đạt 3.003 tỉ đồng/phiên, giảm 6% so với tuần trước đó. Việc thị trường hồi phục với thanh khoản thấp cho thấy tâm lý giới đầu tư vẫn còn khá thận trọng.

Giao dịch khối ngoại cũng không thực sự tích cực khi khối này tiếp tục bán ròng 840 tỉ đồng trên toàn thị trường tuần qua (tăng 14,5% so với tuần trước đó). Một phần lực bán đến từ các quỹ ETF như VNM ETF, VFMVN30 ETF, Kim Kindex Vietnam VN30 ETF. Tổng cộng ba quỹ ETF nói trên đã rút ròng lượng chứng chỉ quỹ có giá trị 392 tỉ đồng. Đây cũng là tuần bán ròng thứ 3 liên tiếp của khối ngoại với tổng giá trị đạt 2.272 tỉ đồng. VJC tiếp tục đứng đầu danh sách bán ròng của khối ngoại với giá trị đạt 284 tỉ đồng, tiếp đến là HPG (194 tỉ đồng), chứng chỉ quỹ E1VFVN30 (96 tỉ đồng).

Trên thị trường thế giới, hai thông tin quan trọng nhất trong tuần qua là việc Mỹ công bố hoãn áp thuế cho một phần hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và diễn biến đảo ngược của đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ. Về thông tin hoãn thuế, quyết định được đưa ra sau khi quan chức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc đã có cuộc hội đàm qua điện thoại.

Cụ thể, các mặt hàng điện thoại di động, máy tính, máy tính xách tay, đồ chơi... với tổng trị giá 160 tỉ đô la sẽ được hoãn, chưa tăng thuế cho đến ngày 15-12-2019 trong khi 110 tỉ đô la hàng hóa khác bao gồm hàng nông sản, nhiều mặt hàng quần áo, đồ làm bếp, giày dép... sẽ vẫn bị áp thuế thêm 10% kể từ đầu tháng 9 tới. Động thái trên được cho là sẽ giúp các nhà bán lẻ Mỹ không bị ảnh hưởng nhiều trong mùa mua sắm cuối năm nay.

Còn về diễn biến đường cong lợi suất đảo ngược thì trong phiên ngày 14-8-2019, lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008, chênh lệch lợi suất giữa kỳ hạn 10 năm và 2 năm của trái phiếu chính phủ Mỹ giảm xuống mức âm, hay còn gọi là đường cong lợi suất đảo ngược (inverted yield curve), do lo ngại pha suy thoái của kinh tế Mỹ.

Theo quan sát, kể từ năm 1980 trở lại đây, cứ mỗi khi mức chênh lệch này trải qua giai đoạn giảm kéo dài và về quanh mức 0% (thậm chí ở mức âm) thì một cuộc suy thoái thường diễn ra ngay sau đó. Tuy vậy, cũng cần lưu ý là luôn có độ trễ giữa việc đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ chuyển sang dạng đảo ngược và pha suy giảm chính thức của nền kinh tế sau đó. Như cuộc khủng hoảng năm 2008, đường cong lợi suất đảo ngược cũng duy trì khoảng bốn quí trước khi cuộc khủng hoảng chính thức diễn ra, hay năm 2000 là ba quí.

Do vậy, việc chênh lệch lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giữa kỳ hạn 10 năm và 2 năm chuyển sang trạng thái âm trong phiên ngày 14-8-2019 nên được xem là tín hiệu cảnh báo sớm hơn là lo ngại đà suy giảm của kinh tế Mỹ sẽ diễn ra ngay lập tức.

Các thông tin thế giới trong tuần này sẽ tập trung vào Hội nghị chính sách tiền tệ diễn ra vào cuối tuần tại Jackson Hole (Mỹ), trong đó sẽ có bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Giới đầu tư đang cố gắng tìm ra những chỉ dấu mới về việc liệu Fed có cắt giảm lãi suất tiếp trong cuộc họp tháng 9 tới hay không thông qua bài phát biểu này.

Ngoài ra, những thông tin về lợi suất trái phiếu Mỹ, tỷ giá giữa đô la Mỹ và nhân dân tệ sẽ tiếp tục là những yếu tố ảnh hưởng tới diễn biến thị trường quốc tế trong tuần. Về thông tin trong nước, những dự báo về thay đổi danh mục của hai quỹ ETF là Vaneck và Deutsche Bank đang dần xuất hiện cũng có thể ảnh hưởng tới diễn biến của những cổ phiếu trong danh mục hai quỹ.

Về diễn biến thị trường, việc khối ngoại liên tiếp bán ròng gần đây cùng với khoảng trống thông tin hiện hữu đang khiến khả năng VN-Index chinh phục cột mốc 1.000 điểm trở nên không dễ dàng. Dù vậy, cơ hội vẫn đang xuất hiện tại một số cổ phiếu riêng lẻ với những câu chuyện hỗ trợ riêng.

Chuyên đề