Sau Thái Lan, đến lượt Indonesia mở cửa đón du khách

0:00 / 0:00
0:00
Động thái nới lỏng hạn chế của Indonesia diễn ra trong bối cảnh số ca nhiễm mới và tử vong vì Covid-19 tại nước này liên tục giảm sau đợt bùng dịch mạnh chưa từng thấy hồi tháng 7...
Bogor, gần Jakarta, Indonesia - Ảnh: Reuters
Bogor, gần Jakarta, Indonesia - Ảnh: Reuters

Từ ngày 7/9, các điểm du lịch trên đảo Java của Indonesia sẽ dần khôi phục hoạt động sau khi chính phủ nước này tuyên bố dần nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng dịch Covid-19. Java là hòn đảo đông dân nhất tại Indonesia với khoảng 150 triệu người, chiếm hơn 50% dân số nước này. Thủ đô Jakarta của Indonesia nằm ở phía tây đảo Java.

Chính phủ Indonesia cho biết hiện chỉ còn một phần nhỏ của đảo Java còn áp dụng các biện pháp hạn chế khẩn cấp nghiêm ngặt nhất PPKM cấp độ 4. Tỉnh Yogyakarta, một địa điểm du lịch lớn ở trung tâm Java và các khu vực đô thị lớn khác trên đảo này, đều được nới lỏng hạn chế.

Động thái nới lỏng hạn chế của Indonesia diễn ra trong bối cảnh số ca nhiễm mới và tử vong vì Covid-19 tại nước này liên tục giảm sau đợt bùng dịch mạnh chưa từng thấy hồi tháng 7 do biến thể Delta.

"Tuy nhiên, Tổng thống Joko Widodo nhấn mạnh rằng đại dịch vẫn chưa kết thúc. Virus không thể biến mất hoàn toàn. Chúng ta chỉ có thể cố gắng kiểm soát virus lây lan", Airlangga Hartarto, Bộ trưởng Kinh tế Indonesia, cho biết trong một buổi họp báo tối ngày 6/9.

Với việc các biện pháp hạn chế được nới lỏng, thực khách có thể dùng bữa tại nhà hàng trong 1 giờ, thay vì tối đa 30 phút như trước đây. Các nhà hàng có thể tiếp tục hoạt động với 50% công suất. Tuần trước, Indonesia đã cho phép mở cửa lại một phần trường học, đồng thời cho phép các trung tâm thương mại và chợ truyền thống hoạt động dài hơn.

Trong 7 ngày qua, Indonesia ghi nhận bình quân 7.700 ca nhiễm Covid-19 mới mỗi ngày, giảm gần một nửa so với tuần trước đó và giảm đáng kể so với con số kỷ lục hơn 50.000 ca nhiễm mới mỗi ngày hồi giữa tháng 7. Số ca tử vong vì Covid-19 tại nước này cũng giảm xuống dưới 600 ca/ngày trong tuần qua. Ngày 6/9, quốc gia Đông Nam Á ghi nhận 4.413 ca nhiễm mới và 612 ca tử vong, đưa tổng số ca nhiễm tại nước này kể từ khi dịch bùng phát lên hơn 4,1 triệu người và 136.473 ca tử vong.

Tuy nhiên, mối lo đối với khu vực bên ngoài Java, bao gồm đảo Bali - "nam châm" hút khách quốc tế của Indonesia, vẫn còn đó khi mà tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 tại các bệnh viện vẫn ở mức cao.

"Chúng tôi ước tính Bali cần thêm một tuần nữa trước khi được nới lỏng hạn chế”, Luhut Binsar Pandjaitan, Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề hàng hải và đầu tư Indonesia, cho biết.

Ngày 6/9, Indonesia nhận 5 triệu liều vaccine Covid-19 do công ty Sinovac của Trung Quốc sản xuất, nâng tổng số vaccine Covid-19 mà nước này đã nhận được lên 225,4 triệu liều. Phần lớn số vaccine này đến từ Sinovac, số còn lại từ AstraZeneca, Sinopharm, Moderna và Pfizer-BioNTech.

Tính tới ngày 6/9, 59% trong số gần 11 triệu dân của thủ đô Jakarta đã được tiêm vaccine đầy đủ. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm vaccine đầy đủ trên toàn quốc của nước này hiện chỉ dưới 14%.

Ông Hartarto cho biết Tổng thống Widodo đã chỉ đạo đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine tại tỉnh vùng sâu vùng xa Papua – nơi dự kiến đăng cai Đại hội Thể thao Quốc gia của Indonesia vào tháng tới, cũng như các tỉnh có tỷ lệ tiêm vaccine đặc biệt thấp khác như Aceh, Tây Sumatra, Nam Kalimantan và Đông Nam. Sulawesi.

Cũng tại Đông Nam Á, ngày 6/9, Thái Lan cho biết sẽ mở cửa thêm một số điểm du lịch quan trọng của nước này từ tháng 10, với niềm tin rằng tỷ lệ tiêm chủng đạt mức cao có thể giúp thu hút thêm nhiều du khách và phục hồi nền kinh tế.

Theo tin từ Bloomberg, thủ đô Bangkok, Chiang Mai và các vùng biển Pattaya, Cha-Am và Hua Hin sẽ mở cửa trở lại từ ngày 1/10. Bộ Du lịch Thái Lan cho biết việc mở cửa trở lại các điểm đến này dựa theo mô hình đón du khách là những người đã tiêm đủ vaccine tới đảo “thiên đường” Phuket. Những điểm đến khác, gồm Chiang Ria, Koh Chang và Koh Kood, có thể mở cửa cho du khách từ giữa tháng 10. Tiếp đó, từ năm 2022, Thái Lan có thể triển khai “bong bóng du lịch” với các nước láng giềng.

Chuyên đề