Rào cản ngăn Trump sở hữu hạm đội 12 tàu sân bay

Kế hoạch đóng mới và triển khai không hợp lý, chi phí đội giá là những rào cản ngăn hải quân Mỹ sở hữu lực lượng 12 tàu sân bay trong thời gian tới.

USS Gerald R. Ford nằm trong tham vọng hải quân của Trump

Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn thể hiện tham vọng mở rộng quy mô hải quân Mỹ, trong đó có mong muốn nâng số lượng tàu sân bay của nước này lên 12 chiếc. Tuy nhiên, đây có thể là tham vọng quá sức đối với Mỹ, bởi có những rào cản lớn ngăn hải quân nước này sở hữu chiếc tàu sân bay thứ 12, theo Washington Examiner.

Theo kế hoạch, tàu sân bay USS Gerald R. Ford sẽ được biên chế trong năm nay, muộn 6 năm so với dự kiến, để trở thành hàng không mẫu hạm thứ 11 trong biên chế hải quân Mỹ. Chiếc tàu thứ hai thuộc lớp Ford mang tên USS John F. Kenedy vẫn đang được đóng. Trên lý thuyết, việc này sẽ giúp hải quân Mỹ nắm trong tay lực lượng 12 tàu sân bay trước khi Tổng thống Trump kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 2021.

Phân tích của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS) cho thấy để duy trì hạm đội 12 tàu sân bay như vậy, hải quân Mỹ phải đẩy nhanh tốc độ mua sắm hiện này, từ 5 năm/tàu lên mức 3 năm/tàu. Khi đó, Mỹ sẽ đạt mức ổn định với 12 tàu sân bay vào khoảng năm 2030. Nhưng kế hoạch này ẩn chứa nhiều rủi ro, nhất là khi siêu tàu sân bay lớp Ford của Mỹ còn nhiều lỗi chưa được khắc phục.

"Hệ thống máy phóng điện từ (EMALS) và cáp hãm đà thế hệ mới vẫn đang trong quá trình phát triển. Có lẽ sẽ mất khá nhiều thời gian để chạy thử trên biển và đánh giá mọi hệ thống mới để biết chắc chúng được hoàn thiện", sử gia hải quân Barrett Tillman nói.

Việc sở hữu 12 tàu sân bay không chỉ đòi hỏi đóng thêm nhiều tàu mới. Hải quân Mỹ cần bổ sung nhiều phi cơ cho không đoàn tàu sân bay, cũng như hàng loạt thủy thủ vận hành cùng các biên đội tàu chiến hộ tống.

Khoảng trống tàu sân bay

Hồi tháng 1, khi Mỹ muốn oanh tạc trại huấn luyện của phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Libya, họ phải triển khai hai oanh tạc cơ tàng hình B-2 từ Mỹ bay liên tục 34 giờ với 18 lần tiếp liệu trên không. Mỹ đã không thể triển khai tiêm kích F/A-18 ở khoảng cách tương đối gần, ngay trên tàu sân bay ở Địa Trung Hải, để thực hiện cuộc không kích này.

Lý do khiến Mỹ phải huy động oanh tạc cơ B-2 cho cuộc không kích thông thường này là tàu sân bay USS George H.W Bush khi đó đang trong quá trình bảo dưỡng ở cảng Norfolk, sau khi phải triển khai vượt quá thời gian dự kiến. Trong thời điểm đó, Mỹ không có bất cứ tàu sân bay nào hoạt động trên biển, điều chưa từng xảy ra kể từ sau Thế chiến II.

Thủy thủ đoàn trên một tàu sân bay của Mỹ

Cách đây một thập kỷ, hải quân Mỹ có hạm đội 12 tàu sân bay sẵn sàng triển khai. Tuy nhiên, trong số đó có những tàu sân bay thế hệ cũ đã hoạt động hơn 50 năm, trong khi tàu thế hệ mới bị trì hoãn và đội giá. Điều này khiến đội tàu sân bay Mỹ giảm xuống 11 chiếc vào năm 2007 và chỉ còn 10 chiếc từ năm 2013.

Chỉ có 10 tàu sân bay trong biên chế, hải quân Mỹ buộc phải kéo dài thời gian triển khai mỗi tàu hơn dự kiến, khiến chúng nhanh bị hao mòn và cần nhiều thời gian bảo dưỡng hơn. Kết quả là khoảng trống tàu sân bay ngày càng nới rộng.

USS George H.W Bush dự kiến được bảo dưỡng trong 8 tháng, nhưng phải kéo dài đến 13 tháng trước khi được triển khai trở lại. Chiếc thứ hai USS Carl Vinson hiện đang tham gia tập trận gần Hàn Quốc. Với hạm đội hiện nay, hải quân Mỹ chỉ có thể triển khai nhiều nhất 3 tàu sân bay cùng lúc, kém hơn mức 4 chiếc cùng lúc cách đây 10 năm.

Trump muốn khắc phục điều này, nhưng trước hết ông phải thuyết phục được thượng nghị sĩ John McCain, chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, người từng chỉ trích chương trình siêu tàu sân bay lớp Ford là "một trong những thất bại mua sắm lớn nhất trong thời gian gần đây".

Năm ngoái, ông McCain đã nổi đóa vì một lần trì hoãn nữa của chương trình, cho rằng hơn 2,3 tỷ USD đội giá được chi cho công nghệ chưa kiểm chứng khiến giá của tàu sân bay lớp Ford vọt lên gần 13 tỷ USD/chiếc. Trong sách trắng hồi tháng 1/2017, ông McCain cho rằng kỷ nguyên vàng của siêu tàu sân bay có lẽ sắp đến lúc kết thúc.

Dự án USS Gerald R. Ford có mức giá quá cao. Ảnh:Wikipedia.

"Trong 5 năm tới, hải quân Mỹ nên bắt đầu chuyển đổi từ tàu đổ bộ cỡ lớn sang các tàu sân bay nhỏ hơn, để đạt mục tiêu triển khai chiếc tàu đầu tiên như vậy vào giữa 2030", ông McCain nói.

Chi phí quá cao có thể là thứ nhấn chìm tham vọng 12 tàu sân bay của Trump. "Chúng ta không thể chi 12,9 tỷ USD cho một con tàu. Nếu chi phí không được kiểm soát, chúng ta phải sẵn sàng theo đuổi phương án dự phòng có tính năng tương tự", ông McCain nhấn mạnh.

Chuyên đề