Horea kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai về chế định đấu giá quyền sử dụng đất Ảnh: Tường Lâm |
Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, Bộ ban hành văn bản này theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 10285/TB-VPCP ngày 29/11/2016 về việc rà soát việc sử dụng đất của các DN cổ phần hóa. Tinh thần văn bản này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính rà soát tình trạng sử dụng đất của các DN cổ phần hóa, báo cáo Thủ tướng.
Thực hiện chỉ đạo, Bộ Tài chính đã thực hiện rà soát trong thời điểm từ ngày 1/7/2014 đếm hết 2016 (tức là thời điểm thực hiện Luật Đấu đai 2013). Qua rà soát đó, Bộ Tài chính đã có 2 kiến nghị.
Thứ nhất, trong năm 2017, một trong những nhiệm vụ Thủ tướng đã duyệt và giao cho Thanh tra Chính phủ là thanh, kiểm tra tình trạng sử dụng đất trên địa bàn TP.HCM. “Do vậy, Bộ Tài chính đã đề nghị cho phép chuyển danh sách 60 dự án đó sang cho Thanh tra Chính phủ tham khảo để lựa chọn thực hiện thanh tra, kiểm tra. Và Chính phủ đã chấp nhận kiến nghị đó” – ông Tuấn phân trần.
Thứ 2, trong số 60 dự án, có dự án có dấu hiệu vi phạm so với Điều 118 của Luật Đất đai năm 2013 gây bức xúc trong dư luận, do đó Bộ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh chỉ đạo đình chỉ những dự án đang thực hiện chứ không phải tất cả các dự án. Như vậy, Bộ Tài chính báo cáo theo yêu cầu Chính phủ và chức năng nhiệm vụ, kiến nghị đó theo đúng đối tượng vi phạm cần có biện pháp ngăn chặn, khắc phục cái đó.
Thông tin thêm, ông Tuấn cho biết, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ và doanh nghiệp diễn ra sáng 17/5, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã có 4 kiến nghị và những kiến nghị này được ông Tuấn hết sức đồng tình.
Cụ thể, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/1/2007, Quyết định số 140/2008/QĐ-TTg ngày 21/10/2008, Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg ngày 22/12/2010. Theo ông Tuấn đây là những văn bản liên quan đến việc sử dụng đất của các DN khi tiến hành cổ phần hóa. Việc sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế những văn bản này sẽ đảm bảo không thất thoát tài sản của nhà nước, đảm bảo đúng mục tiêu của cổ phần hóa và quy định của pháp luật.
Hiệp hội cũng kiến nghị với Thủ tướng về việc chỉ đạo sửa đổi Luật Đất đai về chế định đấu giá quyền sử dụng đất; sửa đổi Luật Đấu thầu về chế định đấu thầu dự án có sử dụng đất để đảm bảo tính công khai, minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh… Ông Tuấn cũng đồng thuận với kiến nghị này và dẫn chứng, dư luận thời gian qua có phản ánh câu chuyện trên cùng 1 mảnh đất tại đường Lê Duẩn, TP.HCM, mảnh đất của công ty xổ số khi thực hiện đấu giá bán được hơn 1.400 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với giá khởi điểm (580 tỷ đồng). Do đó, sẽ không minh bạch khi trên cùng 1 tuyến đường, nhiều dự án có diện tích lớn hơn không thực hiện đấu giá, dẫn đến thất thoát.
Ngoài ra, Hiệp hội BĐS TP.HCM kiến nghị vẫn để các chủ đầu tư được tiếp tục triển khai thi công dự án để hoàn thành dự án đưa vào sử dụng, tránh lãng phí thời gian và của cải xã hội và đảm bảo quyền lợi của người mua nhà trong dự án. Trong trường hợp dự án bị thanh tra, kiểm tra thì Hiệp hội đề nghị vẫn cho chủ đầu tư tiếp tục thi công dự án nhưng với điều kiện chủ đầu tư dự án phải có văn bản cam kết thực hiện nghĩa vụ tài chính phát sinh (nếu có) đối với dự án sau khi có kết luận thanh, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền. Đối với người mua nhà đã giao kết và thực hiện hợp đồng mua nhà tại các dự án này là bên ngay tình, không có lỗi nên không phải chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ tài chính phát sinh của chủ đầu tư dự án.
Trước những kiến nghị trên, ông Tuấn bày tỏ sự đồng tình cao trong đề xuất nhà đầu tư phải có cam kết về nghĩa vụ tài chính phát sinh và việc đảm bảo quyền lợi người mua nhà. “Người mua nhà theo giá thị trường nhưng chủ đầu tư mua với giá phi thị trường nhưng đẩy giá bán theo giá thị trường thì chênh lệch đó không thể bắt người mua nhà phải chịu mà bắt phải bắt nhà đầu tư phải chịu” – ông Tuấn khẳng định.