Số liệu kinh tế xấu khiến chứng khoán Mỹ đuối sức

Doanh thu bán lẻ tháng 9 giảm khiến chứng khoán Mỹ giảm điểm, dù thị trường đón loạt báo cáo lợi nhuận khả quan...
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, khi số liệu xấu về kinh tế Mỹ và căng thẳng địa chính trị âm ỉ khiến giới đầu tư ngại xuống tiền, cho dù có thêm một loạt công ty niêm yết công bố kết quả kinh doanh quý 3 khả quan.

Cổ phiếu công nghệ dẫn đầu bởi Microsoft, nhóm có tỷ trọng lớn nhất, gây sức ép giảm khiến cả ba chỉ số cùng chốt phiên trong sắc đỏ - hãng tin Reuters cho hay.

Theo số liệu từ Bộ Thương mại Mỹ, doanh thu bán lẻ của nước này trong tháng 9 lần đầu tiên suy giảm trong 7 tháng. Đây được xem là một dấu hiệu cho thấy vết rạn mà thương chiến Mỹ-Trung gây ra cho nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể đã bắt đầu lan từ ngành sản xuất sang các lĩnh vực khác.

"Đây có thể là chỉ báo đầu tiên rằng khu vực tiêu dùng của nền kinh tế đã bắt đầu hứng chịu áp lực và suy giảm", chiến lược gia Tim Ghriskey thuộc Inverness Counsel nhận xét. "Người tiêu dùng vốn được xem là lực lượng cứu rỗi nền kinh tế này, để rồi số liệu này xuất hiện và tương đối gây sốc".

Bấp bênh trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung gia tăng sau khi Hạ viện Mỹ khiến Bắc Kinh nổi giận bằng việc thông qua một dự luật ủng hộ người biểu tình ở Hồng Kông.

Tổng thống Mỹ Donald Trump nói ông có thể sẽ không ký bất kỳ mọt thỏa thuận thương mại nào trước khi ông gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Chile vào tháng 11. Tuy nhiên, ông Trump nói một thỏa thuận thương mại một phần giữa hai nước đang được hoàn tất.

"Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là thị trường không có phản ứng mạnh hơn vơi những thông tin tiêu cực này", ông Grishkey nói thêm. "Có thể đó là do kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang (FED) sẽ giảm lãi suất vào cuối tháng 10 và các công ty sẽ báo kết quả kinh doanh quý 3 tốt hơn dự báo như họ đã làm với quý 2".

Giới phân tích dự báo lợi nhuận quý 3 của các công ty trong S&P 500 giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu quý giảm đầu tiên kể từ 2016. Mặc dù vậy, trong số 43 doanh nghiệp thuộc S&P 500 đã công bố kết quả kinh doanh quý 3 tính đến thời điểm này, có 86% đưa ra kết quả tốt hơn kỳ vọng.

Cổ phiếu Bank of America tăng 1,5% sau khi nhà băng này công bố lợi nhuận quý 3 vượt dự báo nhờ tăng trưởng ở mảng tư vấn và cho vay.

Cổ phiếu hãng hàng không United Airlines tăng 1,9% nhờ lợi nhuận quý 3 tốt hơn dự báo và hãng nâng dự báo lợi nhuận cả năm 2019.

Cổ phiếu General Motors (GM) tăng 1,1% sau khi hãng sản xuất ôtô này đạt một thỏa thuận sơ bộ về vấn đề lao động với Liên đoàn Công nhân Ôtô Mỹ (UAW).

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 0,08%, còn 27.001,98 điểm. S&P 500 giảm 0,2%, còn 2.989,69 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,3%, còn 8.124,18 điểm.

Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, có 6 nhóm chốt phiên trong trạng thái giảm, với mức giảm lớn nhất thuộc về nhóm năng lượng và công nghệ.

Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu tăng giá phiên này nhiều gấp 1,08 lần số mã giảm. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,07 lần.

Có tổng cộng 6,06 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công ở Phố Wall, so với mức bình quân 6,79 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.

Chuyên đề