Mỹ chế tạo tàu ngầm mini bằng công nghệ in 3D

Công nghệ in 3D sẽ giúp hải quân Mỹ tiết kiệm đáng kể chi phí và thời gian trong việc thiết kế và sản xuất tàu ngầm.
Tàu ngầm được sản xuất bằng công nghệ in 3D của hải quân Mỹ. Ảnh:US Navy.
Tàu ngầm được sản xuất bằng công nghệ in 3D của hải quân Mỹ. Ảnh:US Navy.

Hải quân Mỹ phối hợp với phòng thí nghiệm quốc gia Oak Ridge phát triển thành công một chiếc tàu ngầm bằng công nghệ in 3D chỉ trong vòng 4 tuần,Verge ngày 29/7 đưa tin.

Các chuyên thuộc Trung tâm Vũ khí hải quân Mỹ (NSWC) và Phòng thí nghiệm Công nghệ gây nhiễu của Carderock Division (DTL) đã sử dụng máy in 3D công nghiệp cỡ lớn Big Area Additive Manufacturing (BAAM) để chế tạo 6 phần riêng biệt của thân tàu bằng sợi carbon và ghép lại với nhau thành một tàu ngầm nhỏ hoàn chỉnh dài 9,14 m.

Toàn bộ quá trình sản xuất tàu kéo dài 4 tuần, trong đó, tuần đầu tiên được dành cho công đoạn thiết kế, ba tuần còn lại dành cho việc in các đoạn của thân tàu. Đây là sản phẩm in 3D lớn nhất mà hải quân Mỹ từng sở hữu.

Công nghệ in 3D đã được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực dân sự. Quân đội nhiều quốc gia trên thế giới hiện xem kỹ thuật này như một giải pháp để tiết kiệm thời gian và chi phí trong việc sản xuất vũ khí, khí tài, ví dụ như như các bộ phận của máy bay chiến đấu, lựu đạn.

Bộ Năng lượng Mỹ cho biết việc sản xuất một tàu ngầm tương tự theo biện pháp thông thường sẽ mất 3-5 tháng với chi phí 600.000-800.000 USD, trong khi phiên bản chế tạo theo phương pháp in 3D rẻ hơn 90% và cũng tốn ít thời gian hơn nhiều.

Do chỉ là phiên bản thử nghiệm nên tàu ngầm vừa được chế tạo không có khả năng hoạt động. Hiện phiên bản thứ hai của mẫu tàu ngầm này đang được phát triển và sẽ trải qua các bài thử nghiệm dưới nước trong thời gian tới. 

Hải quân Mỹ hy vọng mẫu tàu ngầm in theo phương pháp 3D sẽ đi vào sử dụng và được sản xuất hàng loạt trong năm 2019.

Chuyên đề