Theo Tờ trình của Chính phủ, hoạt động đo đạc và bản đồ có vai trò quan trọng trong việc cung cấp các kết quả, sản phẩm đo đạc và bản đồ cơ bản quốc gia phục vụ quản lý, quy hoạch lãnh thổ; phát triển kinh tế-xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; quản lý, giám sát tài nguyên, môi trường, phòng chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn; góp phần bảo vệ và khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Công tác đo đạc và bản đồ ở Việt Nam có truyền thống lịch sử lâu đời. Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước về đo đạc và bản đồ đã ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý và triển khai các hoạt động đo đạc và bản đồ trên phạm vi cả nước. Đây là văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất điều chỉnh chung đối với hoạt động đo đạc và bản đồ, đặc biệt là hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản. Các văn bản quy phạm pháp luật về đo đạc và bản đồ được ban hành trong thời gian qua đã bước đầu đáp ứng được công tác quản lý Nhà nước cũng như việc thực thi pháp luật về đo đạc và bản đồ.
Tuy nhiên, công tác quản lý Nhà nước và tổ chức triển khai hoạt động đo đạc và bản đồ còn một số vấn đề tồn tại. Hoạt động đo đạc và bản đồ chưa thực sự đáp ứng yêu cầu đặt ra của giai đoạn phát triển khoa học và công nghệ, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Hoạt động đo đạc còn chồng chéo, lãng phí; việc quản lý, cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ còn bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu chia sẻ, sử dụng chung. Công tác quản lý hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành chưa đầy đủ, thống nhất; việc phân cấp giữa Trung ương và địa phương chưa phù hợp. Công tác quản lý xuất bản phẩm bản đồ chưa chặt chẽ; công tác xã hội hóa hoạt động đo đạc và bản đồ còn hạn chế…
Trong bối cảnh tình hình an ninh, quốc phòng khu vực cũng như trên thế giới hiện nay có nhiều phức tạp, đặc biệt trong giai đoạn của Cách mạng Công nghiệp 4.0, việc xây dựng một đạo luật trên cơ sở kế thừa các quy phạm pháp luật về hoạt động đo đạc và bản đồ hiện hành. Đồng thời bổ sung các quy định mới đáp ứng yêu cầu của phát triển khoa học, công nghệ và quản lý thống nhất, có hiệu quả hoạt động đo đạc và bản đồ là yêu cầu cấp bách và thực tiễn khách quan.
Dự thảo Luật Đo đạc và bản đồ gồm 63 điều thể hiện trong 9 chương, quy định cụ thể về các nguyên tắc cơ bản và chính sách của Nhà nước đối với hoạt động đo đạc và bản đồ; các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đo đạc và bản đồ; hợp tác quốc tế và tài chính cho đo đạc và bản đồ; hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành; đo đạc và bản đồ quốc phòng; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong hoạt động đo đạc và bản đồ; kiểm định thiết bị sử dụng trong hoạt động đo đạc và bản đồ; quản lý chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ; hệ thống công trình hạ tầng đo đạc; thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ; quản lý Nhà nước về đo đạc và bản đồ;...
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khẳng định, việc ban hành Luật là rất cần thiết, thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước về công tác đo đạc và bản đồ, đã bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động đo đạc và bản đồ, từng bước khắc phục tình trạng chồng chéo, lãng phí; góp phần thúc đẩy thương mại hóa thông tin, dữ liệu, sản phẩm và xã hội hóa hoạt động đo đạc và bản đồ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.
Nội dung dự thảo Luật phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật Việt Nam và tương thích với các điều ước, pháp luật quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Tuy nhiên, nội dung của dự thảo Luật liên quan đến nhiều luật đã ban hành như Luật Biên giới quốc gia, Luật Hàng không dân dụng, Bộ luật Hàng hải, Luật Biển Việt Nam, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đo lường, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Xuất bản... Vì vậy, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát các nội dung của dự thảo Luật với các luật có liên quan để tránh chồng chéo, bảo đảm tính thống nhất cao của hệ thống pháp luật.
Bên cạnh đó, cho rằng dự thảo Luật được xây dựng theo cách truyền thống; trong khi đó lĩnh vực đo đạc và bản đồ có liên quan mật thiết với những tiến bộ khoa học và công nghệ đang tiến nhanh như vũ bão. Do đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Ban soạn thảo chỉnh sửa dự thảo Luật theo hướng hiện đại để thích ứng với hoạt động có tính chuyên ngành của lĩnh vực đo đạc và bản đồ.
Sau khi nghe Tờ trình của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đo đạc và bản đồ trong phiên họp toàn thể tại Hội trường, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại Tổ về dự án Luật này.