Quảng Ngãi: Giả danh cán bộ cục cảnh sát lừa đảo 200 triệu đồng

Chỉ bằng vài cuộc điện thoại, đối tượng giả danh cán bộ Cục cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã lừa đảo của một người dân số tiền gần 200 triệu đồng.
Bà N. trình báo sự việc với lực lượng Công an
Bà N. trình báo sự việc với lực lượng Công an

Ngày 16/10, phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, đơn vị đang tiếp tục điều tra, làm rõ vụ giả danh cán bộ Cục cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy lừa đảo người dân.

Trước đó, bà L.T.N. (xã Nghĩa Dũng, TP. Quảng Ngãi) nhận được điện thoại của một người đàn ông tự xưng cán bộ Cục cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an). Người đàn ông này cho biết, bà N. có đứng tên mở một tài khoản ngân hàng ở tỉnh Bắc Ninh để câu kết với người nước ngoài buôn bán ma túy.

Qua điện thoại, người đàn ông tự xưng là cán bộ Cục cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cho biết vụ việc đang được đơn vị này thụ lý; đồng thời, yêu cầu bà N. chuyển 200 triệu đồng vào tài khoản được chỉ định để cơ quan công an tiếp tục điều tra, khi xong vụ án sẽ hoàn trả lại...

"Người kia gọi cho tôi nói có mở tài khoản ngân hàng, giao dịch lên đến nhiều tỷ đồng. Họ nói tôi liên quan đến đường dây buôn bán ma túy, được các đối tượng nước ngoài chia lãi", bà N. cho biết.

Đối tượng lạ mặt dùng nhiều thủ đoạn lừa đảo khiến bà N. nhầm tưởng đây đúng là cán bộ điều tra của Cục cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy. Do đó, bà N. đã âm thầm đến ngân hàng chuyển số tiền gần 200 triệu đồng vào tài khoản được chỉ định. Thế nhưng vừa chuyển tiền xong, đối tượng lạ mặt đã cắt đứt liên lạc, lúc đó bà N. mới biết bị lừa đảo nên trình báo Công an tỉnh Quảng Ngãi.

Chỉ bằng vài cuộc điện thoại, đối tượng lừa đảo đã làm cho bà N. tin tưởng và chuyển khoản số tiền gần 200 triệu đồng.

Thượng tá Nguyễn Văn Nam - Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, thời gian qua có nhiều trường hợp bị kẻ xấu giả danh Công an lừa đảo qua điện thoại. Phần lớn các nạn nhân đều là những người cao tuổi, giờ gọi điện thường là giờ hành chính, khi con cái đều đã đi làm. Đặc biệt, các đối tượng lừa đảo nắm rất kỹ về thân nhân những người bị hại nên khi gọi điện, những người bị hại có cảm giác tin tưởng.

 "Khi điều tra một vụ án, Công an không thể tự tiện tạm giữ tiền, tài sản hoặc làm việc với người dân thông qua điện thoại. Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản và nhất là không chuyển tiền vào số tài khoản của người lạ. Khi gặp những trường hợp giả danh gọi điện, người dân cần bình tĩnh tiếp nhận thông tin, sau đó báo với cơ quan cảnh sát điều tra", Thượng tá Nam nói.

Theo ghi nhận của lực lượng Công an tỉnh Quảng Ngãi, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra khoảng 10 vụ lừa đảo có hình thức tương tự, với số tiền hàng trăm triệu đồng.

Chuyên đề