Đối với việc mua nhà hình thành trong tương lai, người dân phải cân nhắc, sàng lọc để đảm bảo an toàn tối đa cho sự lựa chọn của mình. Ảnh: Nhã Chi |
Thiệt đơn, thiệt kép
Dự án Usilk City (Văn Khê, Hà Đông, Hà Nội) là “bức tượng đá” biểu trưng cho hành trình mua nhà hình thành trong tương lai đầy gian truân, khốn khổ của khách hàng và giới đầu tư bất động sản Hà Nội. Còn nhớ, tháng 8/2009, chủ đầu tư là Công ty CP Sông Đà Thăng Long cùng với nhà thầu tưng bừng khởi công xây dựng, hứa hẹn mang đến cho khách hàng viễn cảnh sống trong một căn nhà đẹp như mơ. Thế nhưng, sau 10 năm, chủ đầu tư vẫn chỉ xây được phần thô của nhiều toà như CT3 - 106, CT4 - 108… Giấc mộng được sống trong ngôi nhà mới của khách hàng tan nát.
Để đảm bảo quyền lợi, hàng trăm khách hàng là đối tác góp vốn, mua nhà nhiều lần gửi đơn kêu cứu tới cơ quan chức năng tố cáo chủ đầu tư vi phạm hợp đồng, và yêu cầu chủ đầu tư trả lại tiền, hoặc trả nhà cho khách hàng, nhưng vô vọng.
Một dự án khác cũng nằm tại Hà Đông khiến hơn 300 khách hàng lao đao vì bỏ hàng tỷ đồng nhưng 10 năm nay vẫn chưa nhận được nhà. Dự án Hattoco số 110 Trần Phú, Hà Đông được phê duyệt năm 2008 do Công ty CP Tư vấn Đầu tư Xây dựng Ba Đình (Công ty Ba Đình) làm chủ đầu tư. Theo quyết định phê duyệt, dự án này phải hoàn thành vào quý II/2011. Tuy nhiên, đến nay toàn bộ Dự án mới chỉ xây dựng gần cơ bản phần thô, lắp một phần cửa sổ ngoài nhà.
Sau nhiều lần treo băng rôn, khẩu hiệu, gửi đơn cầu cứu các cấp chính quyền, các bộ ngành, ngày 13/12/2019, Sở Xây dựng thành phố Hà Nội đã có công văn gửi cư dân Hattoco. Trong Công văn, Sở Xây dựng cho biết Công ty Ba Đình nêu lý do chậm tiến độ dự án do gặp khó khăn trong việc bán căn hộ và khó khăn về nguồn vốn để thực hiện Dự án. Công ty này cũng cam kết tiếp tục thi công và hoàn thành bàn giao trong quý IV/2020.
Tuy nhiên, không tin vào những lần “hứa hão” của Công ty Ba Đình, mới đây, hàng trăm khách hàng mua nhà dự án Hattoco tiếp tục xuống đường treo băng rôn, phản đối Chủ đầu tư.
Là người bỏ ra hơn 1,5 tỷ đồng đóng 50% giá trị căn hộ, anh Mai Thanh Tùng bức xúc: “Năng lực chủ đầu tư không có, liên tục bị ngân hàng phát mãi thì lấy đâu ra tiền để xây dựng tiếp? Để có tiền mua nhà, gia đình tôi vừa phải vay ngân hàng, bạn bè, bao nhiêu năm nay còng lưng gánh lãi mà nhà vẫn chưa được nhận, thiệt đơn thiệt kép với khách hàng”.
Theo tìm hiểu, mới đây, Ngân hàng TM TNHH MTV Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã khởi kiện ra toà, buộc Công ty Ba Đình phải trả 532 tỷ đồng. Công ty Ba Đình đã thế chấp toàn bộ tài sản hình thành trong tương lai thuộc Dự án Hattoco, thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất gồm 85 căn hộ chưa bán với tổng diện tích 11.960 m2; 06 sàn văn phòng cho thuê với tổng diện tích 13.415 m2; quyền khai thác sử dụng dịch vụ 03 tầng hầm với tổng diện tích 12.531,36 m2, quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán căn hộ với 335 căn đã bán.
Chế tài chưa đủ mạnh
Điều 57 Nghị định 139/2017/NĐ-CP (NĐ139) quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở với mức phạt cao nhất khi triển khai xây dựng nhà ở chậm tiến độ là 300 triệu đồng. Chế tài này chưa đủ mạnh để răn đe chủ đầu tư, buộc đẩy nhanh tiến độ dự án. Nếu so với lợi ích thu được từ một dự án bất động sản quy mô lớn hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng thì mức phạt này là quá thấp, nhiều nhà đầu tư thậm chí cố tình làm trái quy định pháp luật, chấp nhận nộp phạt, ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng.
Theo Luật sư Trương Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Luật Trường Sơn, để khắc phục tình trạng này, để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, cách duy nhất là cơ quan quản lý nhà nước phải quyết liệt thu hồi dự án, giao dự án cho chủ đầu tư mới có năng lực hơn thực hiện.
Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản thuộc Bộ Xây dựng cho rằng, theo quy định, khi phê duyệt, cơ quan nhà nước yêu cầu chủ đầu tư phải đảm bảo tiến độ thi công dự án. Trong trường hợp chậm thì xử phạt theo NĐ139. Đối với những dự án có dấu hiệu lừa đảo thì phải xử lý hình sự. Tuy nhiên, việc chứng minh lừa đảo lại phụ thuộc vào điều tra từ Bộ Công an.
Cũng theo ông Ninh, hiện nay, nguyên tắc của việc bán nhà hình thành trong tương lai phải có bảo lãnh của ngân hàng. Do đó, trước khi mua khách hàng phải tìm hiểu xem dự án được ngân hàng nào bảo lãnh, đủ điều kiện bán hay chưa?
Đồng quan điểm, Luật sư Trương Anh Tuấn nói: “Mua nhà là quan hệ dân sự bắt đầu từ sự thoả thuận giữa các bên chứ không ai ép buộc, bắt ép người dân mua nhà. Do đó, trước khi “xuống” tiền mua một căn hộ người dân phải cân nhắc, sàng lọc, đảm bảo được an toàn tối đa cho lựa chọn của mình. Trong trường hợp cần thiết, có thể nhờ đến sự tư vấn của luật sư”.