Phát triển nhà ở xã hội: Nhu cầu bức thiết, cần nguồn lực, chính sách hợp lý

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Bộ Xây dựng, việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường và sức khỏe cho người lao động là giải pháp hết sức cần thiết nhằm phục hồi sản xuất và kinh tế.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội chưa đáp ứng nhu cầu

Theo Bộ Xây dựng, tính đến thời điểm cuối tháng 9/2021, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng hơn 142.000 căn, với tổng diện tích hơn 7.100.000 m2, đạt khoảng 56,8% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020. Hiện đang tiếp tục triển khai 278 dự án, quy mô xây dựng khoảng 274.000 căn, với tổng diện tích khoảng 13.800.000 m2, tổng mức đầu tư khoảng 214.000 tỷ đồng. Trong đó, bao gồm 178 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp với quy mô xây dựng khoảng 140.000 căn hộ; 100 dự án nhà ở cho công nhân khu công nghiệp với quy mô xây dựng khoảng 134.000 căn hộ.

Về việc phân bổ nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2016 - 2020, theo đề xuất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 thì vốn hỗ trợ để thực hiện chính sách nhà ở xã hội dự kiến cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội là 9.000 tỷ đồng; vốn cấp cho cho 4 ngân hàng thương mại được chỉ định là 9.977,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, do gặp khó khăn trong việc cân đối nguồn vốn cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại được chỉ định, ngày 3/10/2018, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều chỉnh lại kế hoạch vốn cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại được chỉ định từ 9.977,5 tỷ đồng xuống còn 248,63 tỷ đồng. Như vậy tổng kế hoạch vốn đến năm 2020 của Ngân hàng Chính sách và các tổ chức tín dụng là 9.248,63 tỷ đồng.

Bộ Xây dựng cho biết, đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đã được phân bổ 2.163 tỷ đồng (còn thiếu 6.837 tỷ đồng so với nhu cầu 9.000 tỷ đồng) để cho các đối tượng cá nhân vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở. 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định chưa được bố trí nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho vay nhà ở xã hội. Như vậy, so với kế hoạch vốn phát triển nhà ở xã hội đến năm 2020, ngân sách cấp cho phát triển nhà ở xã hội còn thiếu tổng số là 7.085,63 tỷ đồng trong giai đoạn 2016 - 2020.

Thêm nguồn lực, chính sách thúc đẩy đầu tư nhà ở xã hội

Vấn đề nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân, được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập tại các phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2021, kế hoạch năm 2022.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường - TP. Hà Nội chỉ ra, qua dịch bệnh phát lộ đầy đủ hơn vấn đề vốn là bức xúc của công nhân lao động, đó là nhà ở. Số đông công nhân lao động di cư đang phải ở trong khu nhà trọ chật hẹp, ẩm thấp, san sát nhau, nguy cơ lây nhiễm bệnh tật, ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự rất cao. Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về nhà ở xã hội, trong đó tách riêng chính sách về nhà ở cho công nhân để thu hút đầu tư xây dựng. Tạo cơ chế để công đoàn là chủ thể tham gia xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân. Có chính sách và gói hỗ trợ thúc đẩy đầu tư xây dựng, cải tạo nhà ở cho công nhân lao động thuê, mua. Ban hành quy định về tiêu chuẩn tối thiểu phòng trọ, giúp công nhân an cư lạc nghiệp cũng là góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh, hiện đại.

Nhiều ý kiến khác cũng đề nghị cần sớm ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp, những hỗ trợ cần thiết để đảm bảo an sinh, để lao động tái thiết cuộc sống an tâm về vấn đề sức khỏe, về nhà ở và môi trường, việc làm, từ đó kích thích người lao động quay trở lại làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Bộ Xây dựng cho biết, theo số liệu tổng hợp chưa đầy đủ từ báo cáo của các địa phương thì nhu cầu về nhà ở xã hội cho các đối tượng là người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 294.600 căn, tổng mức đầu tư khoảng 220.000 tỷ đồng. Trong đó, nhà ở cho người thu nhập thấp khu vực đô thị khoảng 131.100 căn, tổng mức đầu tư khoảng 138.000 tỷ đồng; nhà ở cho công nhân khu công nghiệp là 163.500 căn, tổng mức đầu tư khoảng 82.000 tỷ đồng.

Để đáp ứng nhu cầu bức thiết từ thực tế, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đưa vào Chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19 gói tín dụng 65 nghìn tỷ đồng và một số cơ chế chính sách phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân, người lao động các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Cơ cấu gói tín dụng 65.000 tỷ đồng gồm Gói tín dụng 15.000 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 và Gói tín dụng 50.000 tỷ đồng theo hình thức Ngân hàng nhà nước tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại để cho một số đối tượng được vay ưu đãi. Trong đó, Gói 15.000 tỷ đồng cấp vốn 14.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho các đối tượng khách hàng cá nhân theo quy định của Luật Nhà ở vay để mua, thuê mua hoặc xây dựng, cải tạo sửa chữa nhà ở theo quy định; cấp bù lãi suất 1.000 tỷ đồng cho các ngân hàng thương mại do Nhà nước chỉ định cho các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và cho các đối tượng cá nhân được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội vay theo quy định.

Gói tín dụng 50.000 tỷ đồng cho các đối tượng sau được vay ưu đãi gồm công nhân, người lao động làm việc trong các khu công nghiệp được vay ưu đãi từ Chương trình để mua, thuê mua nhà ở xã hội; chủ đầu tư dự án nhà lưu trú cho công nhân khu công nghiệp thuê; chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua cho các đối tượng theo quy định của Luật Nhà ở.

Ngoài các cơ chế, chính sách áp dụng như pháp luật về nhà ở xã hội hiện hành, Bộ Xây dựng đề xuất bổ sung các cơ chế, chính sách cụ thể áp dụng trong Chương trình phục hồi, như chính sách về quy hoạch, quỹ đất; tiêu chuẩn thiết kế; lựa chọn chủ đầu tư; cơ chế ưu đãi cho chủ đầu tư; giá thuê, giá bán nhà; hình thức cho vay tín dụng, đối tượng, điều kiện vay, trình tự thực hiện cho vay...

Chuyên đề