Sai phạm trong kiểm đếm GPMB tại KCNC Láng - Hòa Lạc

(BĐT) - Vào năm 2012, cơ quan điều tra đã liên tiếp bắt tạm giam nhiều bị can để điều tra vụ án nhận hối lộ liên quan đến giải phóng mặt bằng (GPMB) ở Láng - Hòa Lạc. Vụ án thu hút sự quan tâm của công luận. Tuy nhiên, đến nay, sau nhiều năm xét xử, vẫn chưa có kết quả cuối cùng.
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử vào tháng 6/2015. Ảnh: Việt Đức
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử vào tháng 6/2015. Ảnh: Việt Đức

Lập khống hồ sơ kiểm đếm

Vụ án liên quan đến việc thực hiện định hướng quy hoạch các khu đô thị Miếu Môn - Xuân Mai - Hòa Lạc, vốn được ban hành từ năm 1997. Đến năm 2002, UBND tỉnh Hà Tây cũ có quyết định thu hồi 1.298,8 ha đất thuộc một số xã trên địa bàn Tỉnh, trong đó có xã Hạ Bằng (huyện Thạch Thất) để giao cho Ban Quản lý Khu công nghệ cao (KCNC) Hòa Lạc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng KCNC Hòa Lạc.

Đến tháng 11/2005, UBND tỉnh Hà Tây phê duyệt nguyên tắc, giá bồi thường, hỗ trợ GPMB dự án 600 ha KCNC Hòa Lạc thuộc địa bàn huyện Thạch Thất. Trong đó, có quy định rằng các trường hợp mua bán, chuyển nhượng sau thời điểm công bố quy hoạch, UBND huyện Thạch Thất xem xét từng trường hợp cụ thể, báo cáo Hội đồng GPMB Tỉnh, thẩm định trình UBND Tỉnh giải quyết.

Để thực hiện GPMB, UBND huyện Thạch Thất đã thành lập Tổ kiểm đếm GPMB, trong đó Tổ kiểm đếm số 4 gồm 11 người do Đỗ Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Hạ Bằng làm Tổ trưởng. Quá trình thực hiện, một số cán bộ của Ban Bồi thường GPMB huyện Thạch Thất, Tổ kiểm đếm số 4 và chủ đầu tư đã có hành vi cố ý làm trái quy định của pháp luật để nhận hối lộ, lập khống hồ sơ kiểm đếm, bồi thường, hỗ trợ cho 16 chủ hộ dân; lập khống công trình nhà gây thiệt hại cho ngân sách hơn 3 tỷ đồng.  

Cụ thể, vào tháng 3/2001, hai cá nhân là Trần Thanh Hải, Trần Hậu Lĩnh mua gom 18.771 m2 đất nông nghiệp ở xã Hạ Bằng. Việc chuyển nhượng được Nguyễn Xuân Tuyết - Chủ tịch UBND Xã, Phùng Văn Thắm - Trưởng thôn 7, Nguyễn Văn Xuyến - Trưởng thôn 9 ký xác nhận vào các đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất và hợp đồng chuyển nhượng. Nguyễn Xuân Tuyết biết rõ đất mua bán nằm trong quy hoạch đã được công bố, Nhà nước cấm chuyển nhượng, nhưng Tuyết vẫn ký xác nhận.

Khi Nhà nước tiến hành thu hồi, do được nhờ vả, dù Đỗ Văn Dũng biết giao dịch mua bán trước đó trái pháp luật nhưng không báo cáo, mà còn hướng dẫn cho Nguyễn Văn Lý nhờ 8 hộ dân đứng tên trên biên bản kiểm đếm. Tiếp đó, Dũng chỉ đạo thành viên Tổ kiểm đếm là Phùng Hòa Bình (Trưởng thôn 7) và Nguyễn Thành Huyên (nguyên cán bộ Ban Bồi thường GPMB huyện Thạch Thất) lập khống 8 bộ hồ sơ kiểm đếm. Sau khi hoàn thiện hồ sơ chuyển về Ban Bồi thường GPMB để tính bồi thường, hỗ trợ GPMB và chi cho 8 chủ hộ hơn 1,59 tỷ đồng.

Ngoài ra, Nguyễn Xuân Tuyết còn ký xác nhận hợp đồng chuyển nhượng và đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất cho diện tích đất khoảng 8.270 m2, dù biết diện tích đất đó thuộc quy hoạch đã công bố, không được chuyển nhượng. Khi tiến hành GPMB, Đỗ Văn Dũng biết Vũ Anh Tuấn, nguyên cán bộ Tổng công ty Viglacera, là người đã mua lại diện tích đất nói trên, nên đã gọi điện hẹn Tuấn lên gặp giải quyết. Sau đó, Vũ Anh Tuấn, Đỗ Văn Dũng, Nguyễn Thành Huyên, Phùng Hòa Bình đã thỏa thuận chi phí làm bồi thường là 100 triệu đồng; đưa trước 50 triệu đồng cho Dũng. Dũng cầm và giao lại Huyên rồi chia nhau. 

Kiểm kê đất công để lấy tiền bồi thường

Vào giữa năm 2015, vụ án đã được đưa ra xét xử, song Tòa án đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Ngày 25/10/2016, vụ án lại một lần nữa được đưa ra xét xử nhưng đã phải hoãn do 1 bị cáo vắng mặt tại phiên tòa.
Tại xã Hạ Bằng cũng xảy ra tình trạng kiểm kê đất công để lấy tiền bồi thường. Tại sổ mục kê đất của UBND xã Hạ Bằng có một thửa đất diện tích 2.207 m2 là đất nông nghiệp do UBND xã Hạ Bằng quản lý. Khi kiểm đếm, Phùng Hòa Bình, dù biết rõ đây là đất công vẫn ghi nhận thửa đất đã giao cho 3 hộ dân và thực hiện tách thửa. Sau đó, chỗ đất công này đã được chi trả bồi thường. 2 trong 3 hộ dân nhận tiền bồi thường rồi đưa lại cho Bình.

Cơ quan điều tra đã xác định Vũ Anh Tuấn đưa hối lộ 100 triệu đồng để chiếm đoạt hơn 1,1 tỷ đồng; Đỗ Văn Dũng nhận hối lộ 50 triệu đồng, cố ý làm trái gây thiệt hại hơn 1,9 tỷ đồng; Nguyễn Thành Huyên nhận hối lộ 100 triệu đồng, cố ý làm trái gây thiệt hại hơn 1,9 tỷ đồng; Phùng Hòa Bình lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt gần 134 triệu đồng, cố ý làm trái gây thiệt hại hơn 2,9 tỷ đồng.

Nguyễn Đức Tâm, Trần Văn Chí, Vương Thị Hoa cố ý làm trái, gây thiệt hại hơn 3 tỷ đồng; Nguyễn Xuân Tuyết cố ý làm trái, gây thiệt hại hơn 2,7 tỷ đồng; Nguyễn Văn Xuyến chiếm đoạt hơn 208 triệu đồng và Nguyễn Văn Lý chiếm đoạt gần 1,6 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an xác định, trong vụ án còn có một số cán bộ có sai phạm là ông Chu Đại Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch Hội đồng bồi thường; ông Cấn Văn Lai - Trưởng ban Ban bồi thường GPMB, Phó Chủ tịch Hội đồng bồi thường huyện và ông Khuất Khắc Sơn - Trưởng phòng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thạch Thất…

Các cá nhân này thiếu trách nhiệm khi không kiểm tra, kiểm soát, đã để 16 trường hợp kê khống tài sản trên đất hoặc không thuộc đối tượng được đền bù theo quy định của pháp luật vẫn được bồi thường.

Vào giữa năm 2015, vụ án đã được đưa ra xét xử, song Tòa án đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Ngày 25/10/2016, vụ án lại một lần nữa được đưa ra xét xử nhưng đã phải hoãn do 1 bị cáo vắng mặt tại phiên tòa.

Chuyên đề