Phải khởi công xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM vào 30/6/2023

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chính phủ giao UBND TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An tổ chức lập, thẩm tra, thẩm định, quyết định phê duyệt các dự án thành phần, thuộc tuyến đường vành đai 3 TP.HCM trước tháng 12/2022 và bảo đảm khởi công vào 30/6/2023.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết triển khai Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM sau khi được Quốc hội thông qua về chủ trương đầu tư xây dựng dự án này.

Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM là 75.378 tỷ đồng.

Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM là 75.378 tỷ đồng.

Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, đi qua địa bàn 3 tỉnh (Đồng Nai, Bình Dương, Long An) và TP.HCM, trong đó có 4 dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Theo đó, Chính phủ giao Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư các dự án thành phần. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A theo quy định pháp luật về đầu tư công. Việc lập, thẩm định, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường được thực hiện theo các dự án thành phần.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và người có thẩm quyền được áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, các gói thầu thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư...

Nghị quyết cũng nêu cụ thể dự kiến tiến độ, kế hoạch triển khai

Nghị quyết cũng nêu cụ thể dự kiến tiến độ, kế hoạch triển khai

Chính phủ cho phép UBND các địa phương trên được triển khai đồng thời một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xác định các bãi đổ chất thải rắn xây dựng trong giai đoạn chuẩn bị Dự án.

Thay vì phải làm theo thứ tự, Chính phủ cũng cho 4 địa phương triển khai đồng thời các thủ tục để rút ngắn thời gian thực hiện các công việc. Chẳng hạn như: thẩm định, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán và lựa chọn nhà thầu…

Trong quá trình triển khai Dự án, 4 địa phương trên cũng được áp dụng các cơ chế đặc thù về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Cụ thể, các mỏ đang hoạt động, UBND cấp tỉnh được phép quyết định nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác chỉ nhằm mục đích phục vụ cho Dự án (không tăng trữ lượng đã cấp phép) mà không phải lập dự án đầu tư điều chỉnh, đánh giá tác động môi trường (báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường) hoặc giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường…

Về tiến độ Dự án, Chính phủ giao cho 4 địa phương tổ chức lập, thẩm tra, thẩm định, quyết định phê duyệt các dự án thành phần trước tháng 12/2022 và thực hiện các công việc tiếp theo bảo đảm khởi công vào ngày 30/6/2023.

Chuyên đề