Mới đây, Hongkong Land bất ngờ thông báo đã thâu tóm 70% lợi ích trong một dự án trên đường Nguyễn Đình Chiểu (phường Đa Kao, Quận 1, TP.HCM).
Theo quy hoạch hiện tại, đây là dự án nhà ở với diện tích đất 0,5ha, quy mô sàn xây dựng 57.000m2, cung cấp 530 căn hộ hạng sang. Thời điểm hoàn thành dự kiến vào năm 2021. Căn cứ theo giá thị trường, chi phí khu đất mà Hongkong Land thâu tóm nhiều khả năng không thấp hơn 1.400 tỉ đồng.
Trước đó, Hongkong Land đã hợp tác theo tỉ lệ “ăn chia” 50:50 với Sơn Kim Land trong dự án hạng sang The Nassim hay thâu tóm dự án Thủ Thiêm River Park của Công ty Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM.
Một cái tên mới khá kín tiếng nhưng rất được quan tâm thời gian gần đây là nhà đầu tư Alpha King. Theo một số nguồn tin mà NCĐT có được, Alpha King đã thâu tóm dự án đắt giá Ngân Bình Complex, tọa lạc ngay tại góc đường Nguyễn Cư Trinh - Cống Quỳnh (Quận 1) với tổng diện tích 8.320m2.
Từ khi có chủ đầu tư mới, dự án đã khởi động lại công tác xây dựng sau gần 7 năm trì hoãn. Một khi hoàn thành, đây sẽ là điểm nhấn mới cho khu vực trung tâm thành phố, kế bên các dự án đã và đang triển khai của Tập đoàn Bitexco và Vạn Thịnh Phát.
Trên đường Hai Bà Trưng, khu phức hợp cao cấp Mê Linh Square của hãng bia Sabeco cũng rơi vào tay các nhà đầu tư Hồng Kông. Trước đó, Sabeco hợp tác cùng với Novaland để phát triển nhưng thoái vốn ngay sau đó. Chiếc ghế Chủ tịch Hội đồng Quản trị của công ty triển khai Mê Linh Square hiện nay là ông Ngô Văn An, đồng thời là chủ sở hữu hoặc đại diện pháp luật của 8 công ty có nguồn gốc từ Hồng Kông.
Danh sách các thương vụ M&A gần đây có liên quan đến dòng vốn đầu tư của người Hoa còn có tòa nhà văn phòng hạng A Lim Tower 1, SJC Tower, dự án Sunwah Pearl... Hầu hết đều sở hữu vị trí đẹp ở khu vực trung tâm, có tầm nhìn hướng sông và tiếp giáp với các tuyến đường giao thông quan trọng như các tuyến metro, hệ thống cầu Thủ Thiêm kết nối quận 1 và quận 2.
Theo hãng tư vấn bất động sản CBRE Việt Nam, xét riêng trong năm 2017, các nhà đầu tư Hồng Kông chiếm vị trí thứ 5 (chiếm 9%) trong số các nhà đầu tư ngoại lớn nhất vào Việt Nam, chỉ đứng sau Singapore, Hàn Quốc, Malaysia, Nhật. Nhưng nếu cộng thêm dòng vốn từ đại lục (khoảng 2%) thì vị thế của các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc sẽ ngang ngửa với Nhật.
Đánh giá về triển vọng của dòng vốn ngoại đổ vào thị trường bất động sản trong năm nay, ông Jonathon Clarke, Giám đốc Colliers International Việt Nam, cho rằng dòng vốn đầu tư xuyên biên giới từ các quốc gia châu Á được kỳ vọng sẽ tiếp tục mà đặc biệt là từ Trung Quốc, do đi cùng với mục tiêu dài hạn của chính sách đang được triển khai rầm rộ: “Một vành đai, một con đường”.
Nhìn chung, M&A là công cụ ngày càng được nhiều nhà đầu tư sử dụng dù chi phí mua có thể cao hơn 20-30% so với mặt bằng chung. Ưu điểm dễ thấy nhất là nhanh chóng sở hữu được quỹ đất sạch có diện tích lớn, có quy hoạch và pháp lý rõ ràng để từ đó chủ đầu tư mới có thể tiến hành ngay công tác xây dựng và bán hàng.
Nhưng nguồn cung tài sản có chất lượng tốt trên thị trường hiện chưa có nhiều. Bởi thế, các nhà đầu tư đang sẵn lòng cạnh tranh nhau để mua lại các dự án với mức giá ngày càng cao. Cuộc đua thâu tóm bất động sản thương mại và đất dự án sẽ quyết liệt hơn trong năm nay.
Vậy ngoài phân khúc nhà ở nhận được nhiều sự quan tâm của giới đầu tư thì các phân khúc khác sẽ ra sao? “Phân khúc khách sạn có thể tích cực nhờ tăng trưởng lượt khách du lịch và nhiều sự kiện quốc tế như APEC đã nâng tầm hình ảnh của Việt Nam. Phân khúc khu công nghiệp sẽ hưởng lợi nhờ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, chi phí nhân công thấp, hạ tầng dần cải thiện và các mức thuế ưu đãi hấp dẫn”, ông Jonathon Clarke nhận định.