Tài chính - ngân hàng vẫn được xem là lĩnh vực trả lương thưởng hậu hĩnh cho người lao động. |
Bỏ nghề vì lo ngại rủi ro
Chị Nguyễn Minh Hoa, chủ một cửa hàng thời trang trên đường Lê Thị Riêng (quận 1, TP.HCM) chia sẻ, sau 8 năm gắn bó với lĩnh vực ngân hàng, trong đó có 2 năm làm việc cho Ngân hàng UOB và 6 năm làm việc ở vị trí trưởng phòng tín dụng khách hàng doanh nghiệp của một ngân hàng cổ phần có trụ sở tại TP.HCM, chị chấp nhận từ bỏ công việc đam mê một thời của mình. Lý do là công việc này tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Theo chị Hoa, trong hoạt động tín dụng ngân hàng, rủi ro luôn rình rập, nếu cứ “nhắm mắt” làm theo lệnh trên là “bút sa, gà chết”.
Cựu Phó tổng giám đốc phụ trách khu vực miền Trung của một ngân hàng cho hay, ông từng bị lãnh đạo cấp trên điều chuyển công việc vì không ký duyệt một hợp đồng tín dụng có giá trị lớn, do xét thấy có rủi ro… Và nay cựu Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc nhà băng này đang vướng vòng lao lý.
Các vụ đại án ngân hàng đã và đang được đem ra xét xử gần đây cho thấy, nhiều nhân viên ngân hàng đã phải chịu hậu quả pháp lý nặng nề do tin tưởng, làm theo lệnh cấp trên, mà bỏ qua các nguyên tắc, quy trình, thủ tục. Chẳng hạn như trong vụ việc khách hàng mất 245 tỷ đồng tiền tiết kiệm tại Eximbank Chi nhánh TP.HCM, tòa sơ thẩm ngày 23/11/2018 đã tuyên phạt bị cáo Hồ Ngọc Thủy 4 năm 6 tháng tù và 5 bị cáo còn lại nhận mức án từ 2 đến 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, gồm: Nguyễn Thị Ngọc Trâm, Trần Nguyễn Xuân Lan, Nguyễn Thị Thi, Cao Lan Phương và Lương Quốc Anh.
Theo bản án vừa tuyên, các bị cáo đều là cấp dưới và do tin tưởng bị can Lê Nguyễn Hưng (nguyên Phó giám đốc Eximbank TP.HCM, đang bị truy nã) đã không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định về trình tự thủ tục lập ủy quyền, giải quyết rút tiền và chi quỹ tiền mặt, tạo điều kiện cho Hưng chiếm đoạt hơn 264 tỷ đồng tại 13 sổ tiết kiệm của 3 khách hàng do Eximbank quản lý…
Hay tại vụ án Trần Phương Bình và các đồng phạm gây thất thoát 3.600 tỷ đồng tại DongA Bank đang được đưa ra xét xử tại Tòa án nhân dân TP.HCM cũng cho thấy, nhiều bị cáo là cấp dưới và kể cả bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, nguyên Phó tổng giám đốc DongA Bank do đã quá tin tưởng làm theo lệnh bị cáo Bình dẫn đến hậu quả hôm nay…
Chính từ thực tế trên, nhiều nhân viên đã rời ra nghề ngân hàng.
Ngân hàng tăng tuyển dụng để bù đắp nhân viên nghỉ việc
Hầu hết các ngân hàng đều bổ sung nhân sự trong 9 tháng đầu năm nay, trong đó có nhiều nhà băng tuyển dụng thêm hàng nghìn nhân viên. Việc tuyển nhân sự mới không chỉ vì kinh doanh khởi sắc, ngân hàng muốn tăng quy mô hoạt động để khai thác cơ hội.
Trong quý đầu năm nay, Sacombank có hơn 100 nhân viên nghỉ việc, nhưng đã tuyển mới tới hơn 700 nhân sự trong quý II/2018. Thực tế, trong năm 2017 và 2018, Sacombank là một trong những ngân hàng mạnh tay nhất trong việc tuyển thêm nhân sự và chi thưởng cho nhân viên kinh doanh để giữ nguồn nhân lực.
Không chỉ Sacombank, nhiều ngân hàng khác cũng ra sức tuyển dụng nhân viên với số lượng lớn không chỉ bù lại những vị trí do nhân viên nhảy và nghỉ việc, mà còn phục vụ mục tiêu mở rộng kinh doanh. Thống kê tại 25 ngân hàng cổ phần cho thấy, đến cuối tháng 9/2018, tổng số cán bộ, nhân viên tăng hơn 11.800 người (tương ứng 5,5%) so với đầu năm lên con số hơn 227.000 người.
Biến động nhân sự ở các ngân hàng không đồng đều, có những ngân hàng tuyển thêm hàng nghìn người chỉ trong 9 tháng, một số chỉ tăng thêm vài chục đến vài trăm và có 4 ngân hàng giảm nhẹ nhân sự so với đầu năm là TPBank, PGBank, Saigonbank và Eximbank. Cụ thể Eximbank giảm 47 người, tổng nhân sự hiện nay tới hơn 6.000 người; PGBank giảm 82 người, Saigonbank giảm 30 người.
Việc giảm nhân sự tại PGBank và Saigonbank khá dễ hiểu khi PGBank đang trong quá trình sáp nhập với HDBank, trong khi Saigonbank đang có biến động lớn về nhân sự cấp cao và cơ cấu lại.
TPBank là nhà băng giảm nhân sự nhiều nhất, với 127 người. Số lượng nhân viên giảm, nhưng TPBank lại mạnh tay chi cho nhân viên nhất trong năm nay. Khoản chi cho nhân viên của nhà băng này 9 tháng đầu năm tăng tới 83% so với cùng kỳ. Báo cáo tài chính TPBank cho thấy, thu nhập bình quân tháng của cán bộ nhân viên trong 9 tháng đầu năm lên tới gần 24 triệu đồng/tháng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ hơn 16 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, VPBank vẫn là ngân hàng tuyển dụng nhiều nhất trong năm nay. Lượng nhân viên ở nhà băng này đã tăng thêm hơn 2.200 người chỉ trong 9 tháng đầu năm 2018, lên con số hơn 26.000 người, nhưng số nhân sự tăng lên chủ yếu ở công ty con FE Credit.
Khảo sát của Ngân hàng Nhà nước hồi tháng 9 cho biết, 56,84% tổ chức tín dụng cho biết đã tuyển thêm lao động trong quý III/2018, nhưng vẫn có 26,6% tổ chức tín dụng nhận định đang thiếu lao động cần thiết cho nhu cầu công việc hiện tại và 61,46% dự kiến tiếp tục tuyển thêm lao động trong quý IV/2018.
TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, sở dĩ các ngân hàng vẫn hay kêu thiếu nhân viên dù liên tục tuyển dụng với quy mô lớn do lao động ngành này biến động liên tục.
Trong đó, có khá nhiều nhân viên ngân hàng chuyển sang kinh doanh bất động sản, nhất là trong bối cảnh thị trường bất động sản hồi phục trong thời gian qua. Đồng thời, lĩnh vực tài chính, ngân hàng trong 2 - 3 năm gần đây liên tục xuất hiện các “đại án” hàng nghìn tỷ đồng đang đem ra xét xử khiến nhiều người đang hoạt động ở lĩnh vực này lo ngại về rủi ro trong nghề nghiệp nên bỏ nghề.