Từ 15/7, phí rút tiền ATM nội mạng của Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV sẽ đồng loạt tăng từ 1.100 đồng lên 1.560 đồng/lần. Ảnh: Quang Tuấn |
Tới đây, một số ngân hàng tiếp tục tăng phí rút tiền ATM nội mạng. Điều này đặt ra câu hỏi, liệu ngân hàng có đang “tận thu”?
“Rừng” phí dịch vụ
Từ ngày 15/7, cả 4 “ông lớn” là Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV sẽ chính thức áp dụng biểu phí dịch vụ thẻ mới, trong đó phí rút tiền ATM nội mạng là 1.650 đồng/lần, tăng 500 đồng/lần. Không chỉ tăng phí rút tiền nội mạng ATM, Vietcombank còn tăng phí chuyển khoản liên ngân hàng trên ATM là 3.300 đồng/giao dịch. Riêng mức phí rút tiền ngoại mạng của chủ thẻ Vietcombank tại ngân hàng khác vẫn áp dụng là 3.300 đồng/lần như hiện tại; phí chuyển khoản khác hệ thống ngân hàng là 5.500 đồng/lần trên máy ATM...
Trước đó, vào đầu tháng 5, Agribank, BIDV, VietinBank và Vietcombank cũng đã đồng loạt tuyên bố áp dụng mức phí thẻ ATM mới. Người dùng sẽ phải chịu phí rút tiền mặt ATM nội mạng là 1.500 đồng/lần giao dịch (chưa bao gồm thuế VAT) thay vì mức 1.000 đồng như trước đó.
Theo sau 4 “ông lớn” trên, Eximbank cũng thông báo thu phí giao dịch qua Internet Banking theo từng tháng, thay vì thu theo năm như trước. Mức thu là 10.000 đồng/tháng, bắt đầu từ ngày 7/5. Mỗi tháng, khách hàng sẽ phải chi trả 30.000 đồng cho các chi phí SMS Banking, Internet Banking và Mobile Banking. Cùng với đó, phí SMS Banking 3.000 đồng/lần cũng được ngân hàng này áp dụng với những khách hàng gửi sổ tiết kiệm có phát sinh giao dịch trong kỳ thu phí.
Tương tự, DongA Bank, VIB cũng thông báo thu nhiều phí dịch vụ mà trước đây được miễn phí.
Đầu tháng 3 vừa qua, Vietcombank cũng đã tuyên bố áp dụng biểu phí nhắm tới dịch vụ trên di động, với việc tăng phí duy trì từ 8.000 đồng lên 10.000 đồng/tháng. Bên cạnh đó, nhà băng này cũng lần đầu thu phí chuyển khoản nội mạng qua Mobile Banking và Mobile BankPlus với mức 2.000 đồng/lần giao dịch thay vì miễn phí như trước đây.
Đối với các giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng dưới 10 triệu đồng của dịch vụ này sẽ được giảm từ 10.000 đồng/lần giao dịch trước đây xuống 7.000 đồng, giao dịch trên 10 triệu đồng sẽ tính phí 0,02% số tiền chuyển.
Trong khi các ngân hàng giải thích rằng chính sách điều chỉnh phí dịch vụ được áp dụng cùng việc cung cấp thêm nhiều dịch vụ mới, chất lượng cao và tiện ích hơn cho khách hàng, thì nhiều người dùng dịch vụ tỏ ra bức xúc trước "rừng" phí dịch vụ của các ngân hàng.
Nhiều khoản thu bất hợp lý
Ông Đào Minh Tuấn - Chủ tịch Hội thẻ ngân hàng Việt Nam - lý giải, việc tăng phí lần này nằm trong lộ trình từ trước. Ông Tuấn cho hay, Thông tư 35 ban hành năm 2012 cho phép các ngân hàng được thu phí ATM nội mạng kể từ ngày 1/3/2013: mức phí áp dụng tối đa cho một giao dịch rút tiền nội mạng trong năm 2013 là 1.000 đồng, tiếp đó tăng dần lên 2.000 đồng vào năm 2013 và lên 3.000 đồng từ năm 2015 trở đi.
"Với các thẻ ATM thì Ngân hàng Nhà nước đã quy định chỉ có hai loại phí, trong đó có phí rút tiền mặt để duy trì hoạt động hệ thống ATM. Nếu tính tất cả các chi phí, gồm cả bảo trì, duy trì một ATM trong nhiều năm, thì mỗi lần giao dịch phải từ 7.000 đến 10.000 đồng. Nhưng trong thời gian vừa qua các ngân hàng chỉ tính phí giao dịch 1.000 đồng nội mạng, còn ngoài mạng là 3.000 đồng. Chắc chắn trong thời gian tới, phí rút tiền nội mạng sẽ tăng lên, nhưng tăng ở mức độ chứ không phải tăng ngay một lúc 3.000 đồng", ông Tuấn thông tin.
Các ngân hàng cũng cho rằng, chi phí cho một giao dịch rút tiền ATM ở mức 7.000 - 10.000 đồng thì ngân hàng mới bù được vốn đầu tư, nên việc tăng phí lên 1.500 đồng vẫn rất thấp.
Bình luận về vấn đề này, TS. Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính cho rằng, việc các ngân hàng điều chỉnh các loại phí giao dịch, bởi sau một thời gian dài miễn phí cho khách hàng làm quen dịch vụ, nay họ thu phí để bù đắp khoản đầu tư, nâng cấp hệ thống. Thực tế, chi phí đầu tư cho hệ thống corebanking (ngân hàng lõi), Internet Banking, Mobile Banking là rất lớn, nhất là trong bối cảnh yêu cầu bảo đảm an toàn, an ninh cho khách hàng khi giao dịch và nâng chất lượng dịch vụ.
Một vài ngân hàng vẫn đang miễn phí cho khách hàng để khuyến khích giao dịch, thúc đẩy thanh toán không tiền mặt, nhưng ở các nước cũng rất ít ngân hàng thương mại miễn phí, một số ngân hàng nước ngoài lớn thường thu phí theo gói dịch vụ để khuyến khích khách hàng dùng càng nhiều dịch vụ càng có lợi…
Trong khi đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận xét, ngân hàng thu phí để bù đắp cho các khoản đầu tư vào dịch vụ là hợp lý, nhưng có một số khoản thu bất hợp lý. Nhiều ngân hàng ở Việt Nam thu quá nhiều loại phí mà các ngân hàng nước ngoài không có như phí duy trì tài khoản, phí truy vấn thông tin hay in sao kê… Đây lẽ ra là những dịch vụ đương nhiên khách hàng được hưởng. Phí quá nhiều loại nên dù số tiền mỗi loại không nhiều nhưng khi sử dụng thường xuyên cũng tốn chi phí đáng kể cho khách hàng và dễ gây bức xúc.
“Do đó, các ngân hàng nên xem xét và cân nhắc giảm các khoản phí chưa hợp lý để tạo thuận lợi cho khách hàng, kích thích phát triển nền kinh tế phi tiền mặt”, ông Nguyễn Trí Hiếu kiến nghị.