Ông Nguyễn Văn Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: VGP |
Đây là ý kiến của ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc tại Hội thảo khoa học “Vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền trong đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia ở vùng Tây Bắc” ngày 28/8 do Học viện Chính trị Công an nhân dân tổ chức.
Vùng Tây Bắc thuộc phạm vi chỉ đạo của Ban Chỉ đạo gồm 12 tỉnh miền núi phía bắc và các huyện phía tây thuộc Nghệ An và Thanh Hóa, chiếm 1/3 diện tích cả nước với dân số trên 11 triệu người bao gồm 32 dân tộc khác nhau, trong đó dân tộc thiểu số trên 63%; có đến 9/14 tỉnh, 49 huyện, 239 xã, 2.445 thôn, bản biên giới với trên 2.574 km đường biên giới tiếp giáp với Lào và Trung Quốc với hệ thống 8 cửa khẩu quốc tế, 11 cửa khẩu quốc gia và 43 cửa khẩu phụ cùng nhiều đường tiểu ngạch. Đây là vùng núi cao, biên giới, địa hình hiểm trở, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng và đối ngoại của cả nước nhưng cho đến nay, Tây Bắc vẫn là vùng nghèo nhất cả nước.
Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc nhấn mạnh, ở nước ta hiện nay và vùng Tây Bắc nói riêng, hoạt động của tội phạm xuyên quốc gia đã và đang phát triển cả về quy mô, tính chất và phạm vi, bao gồm nhiều loại tội phạm cụ thể, như tội phạm ma túy, buôn bán người, buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới… làm cho tình hình trật tự, an toàn xã hội ngày càng phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xấu, gây tác động tiêu cực đến mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước và cộng đồng quốc tế.
Trong những năm qua, mặc dù đã được các cấp, các ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư nguồn lực; các lực lượng chức năng đã tăng cường triển khai các chương trình, kế hoạch đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, nhưng do ảnh hưởng của các yếu tố địa lý, lịch sử, tự nhiên, xã hội và tác động của xu hướng tội phạm trên thế giới và khu vực, tình hình hoạt động tội phạm nói chung và tội phạm xuyên quốc gia tại các tỉnh vùng Tây Bắc đang diễn biến hết sức phức tạp và có xu hướng gia tăng cả về tính chất và mức độ. Số liệu cho thấy, từ năm 2014 đến 2016, các tỉnh vùng Tây Bắc đã phát hiện, bắt giữ 12.434 vụ/16.501 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ 845 kg heroin, 88 kg thuốc phiện, 101,6 kg và 790.112 viên ma túy tổng hợp; 341/602 đối tượng phạm tội mua bán người (615 nạn nhân); 31.607 vụ/33.106 đối tượng buôn lậu, tịch thu hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ đồng...
Ông Nguyễn Văn Bình đề nghị, trong thời gian tới, trước yêu cầu nâng cao vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền trong đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia ở vùng Tây Bắc, đồng thời để có các giải pháp phòng, chống tội phạm bảo đảm yêu cầu "đúng", "trúng" và "có hiệu quả", trước hết phải nhận diện và làm rõ được các yếu tố về địa lý, tự nhiên, kinh tế-xã hội, dân cư, tôn giáo, văn hóa... cũng như bối cảnh trong nước và quốc tế có ảnh hưởng đến công tác phòng, chống tội phạm của vùng Tây Bắc.
Các đơn vị, địa phương cần rà soát, tổng kết các nghị quyết, chương trình, kế hoạch liên quan đến đấu tranh phòng, chống tội phạm, trong đó có tội phạm tổ chức xuyên quốc gia. Trên cơ sở đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các chủ trương, cơ chế... Trong thời gian tới, cần có tư duy mới trong xây dựng đường lối, chính sách, xây dựng kế hoạch quốc gia phòng, chống tội phạm cho phù hợp bối cảnh, tính chất, nội dung của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm trong thời kỳ mới của nước ta nói chung và của Tây Bắc nói riêng. Cần quán triệt xuyên suốt quan điểm: Đảng lãnh đạo toàn diện, trực tiếp về mọi mặt trong đó có đấu tranh phòng chống tội phạm; cần xác định đúng vai trò quan trọng của quần chúng nhân dân trong công tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia.
Để phù hợp tiến trình hội nhập quốc tế trong phòng, chống các loại tội phạm, đặc biệt là các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên ký kết hoặc tham gia, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc Nguyễn Văn Bình yêu cầu, cần đề xuất các giải pháp hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia.
Đồng thời, phải có những giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm phát huy thật tốt vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở trong phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế-xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, nhất là trên tuyến biên giới và các địa bàn trọng yếu. Đây cũng là giải pháp góp phần trực tiếp phòng ngừa tội phạm xuyên quốc gia.
Các lực lượng công an, biên phòng, ngoài việc thực hiện nhiệm vụ phòng chống tội phạm cần phát huy vai trò tiên phong trong tuyên truyền, hướng dẫn cho đồng bào phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội. Cần hình thành thí điểm các mô hình phát triển kinh tế mới phù hợp với đặc điểm từng địa phương Tây Bắc, sau đó nhân rộng ra toàn vùng.
Các cấp ủy, chính quyền cần có các giải pháp cụ thể để chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Kết luận số 26-KL/TW, ngày 02/8/2012, của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị khóa IX nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020.