Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet |
Theo đó, đối với các chung cư có kết quả kiểm định là nguy hiểm, TP. HCM yêu cầu phải hoàn thành thay thế, cải tạo trong năm 2017. Đối với các chung cư có kết quả kiểm định là hư hỏng nặng, thời gian hoàn thành trong năm 2018.
Đối với các chung cư cũ còn lại chưa phải là chung cư hư hỏng nặng, nguy hiểm, TP. HCM sẽ thực hiện khi có đề xuất tháo dỡ để xây dựng lại của chủ sở hữu chung cư.
Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn TP. HCM có 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975, tập trung ở quận 1, quận 10, quận 3, quận 5, quận 4. Hiện quận 5 là quận có nhiều chung cư cũ nhất, với 203 chung cư. Tên toàn thành phố, có 14 chung cư có mức độ đánh giá nguy hiểm thuộc diện hư hỏng nặng cần được cải tạo, sửa chữa gấp.
Năm 2017, TP. HCM phấn đấu cải tạo, sửa chữa 10 chung cư (16 lô), bồi thường giải phóng mặt bằng 5 chung cư (7 lô); tháo dỡ 5 chung cư (8 lô) bị hư hỏng nặng, nguy hiểm. Thành phố cũng sẽ khởi công 6 chung cư tại vị trí các chung cư cũ đã tháo dỡ với quy mô 1.785 căn hộ.
Cụ thể, một số chung cư sẽ được thực hiện cải tạo, sửa chữa như: chung cư 22 Nguyễn Trãi, chung cư 17 Nguyễn Thái Học, chung cư 145 Nguyễn Trãi, chung cư 22 Lý Tự Trọng, chung cư 62 Trần Hưng Đạo (thuộc quận 1); chung cư 52 Lão Tử - 216 Phùng Hưng (quận 5); Lô T và lô X của chung cư Ngô Gia Tự (quận 10); chung cư 231/9 Lê Văn Sỹ (quận Phú Nhuận); Lô số VIII, X, XI cư xá Thanh Đa và lô A, B, E, F cư xá Thanh Đa (quận Bình Thạnh).
Theo UBND TP. HCM, mục tiêu của TP là phấn đấu đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc cải tạo, sửa chữa và đầu tư xây dựng mới thay thế ít nhất 50% tổng số các chung cư cũ. Hướng xử lý phải toàn diện, hiệu quả, phục vụ lợi ích chung của cộng đồng dân cư.
Hầu hết các chung cư này đều bị xuống cấp nặng, trong đó có nhiều chung cư nguy cơ sụp đổ cao. Các chung cư này được kiểm định là hư hỏng nặng, nguy hiểm, với tỷ lệ chất lượng còn lại nhỏ hơn 55% và xếp loại nguy hiểm cấp D - cấp độ nguy hiểm cao nhất.