Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ công an vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Tín.
Việc khởi tố hình sự này liên quan đến hành vi của bà Hứa Thị Phấn (sinh năm 1947, nguyên Cố vấn Cao cấp HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Tín, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công ty CP Phú Mỹ và nguyên Chủ tịch HĐTV công ty Phú Mỹ) và đồng phạm trong việc nâng khống giá trị bất động sản cho Ngân hàng Đại Tín.
Những đối tượng bị khởi tố trong vụ án này nguyên là lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng Đại Tín và Công ty TNHH Đầu tư địa ốc Phúc Nguyễn (công ty sân sau của Hứa Thị Phấn).
"Mua rẻ, nâng khống, bán cao", đại gia Hứa Thị Phấn tiếp tục bị khởi tố
Các đối tượng trên bị khởi tố về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại khoản 4, Điều 175 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Cơ quan cảnh sát điều tra xác định, bà Phấn đã có hành vi nâng khống 3 bất động sản và chỉ đạo Ngân hàng Đại Tín mua với giá 581 tỷ đồng.
Với chiêu thức "mua rẻ - nâng khống - bán giá cao", bà Phấn đã chiếm đoạt và gây thiệt hại cho ngân hàng này 401 tỷ đồng.
Để thực hiện hành vi "rút ruột" Ngân hàng Đại Tín, bà Hứa Thị Phấn đã lập nên công ty "sân sau" của mình Công ty TNHH Đầu tư địa ốc Phúc Nguyễn cũng như hệ thống "chân rết" như Xuân Dung, Kim Loan, Quỳnh Trinh, Hồng Hảo.
Đối với căn nhà số 422B Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3, TPHCM, Hứa Thị Phấn chỉ đạo Quỳnh Trinh đứng tên mua, sau đó nâng khống giá trị rồi bán cho Ngân hàng Đại Tín. Hành vi này của Trinh giúp Hứa Thị Phấn chiếm đoạt và gây thiệt hại cho ngân hàng 25,6 tỷ đồng.
Ngoài Quỳnh Trinh, bà Phấn còn chỉ đạo cho một nhân viên ngân hàng Đại Tín khác là Phạm Hồng Hảo đứng tên mua, bán, nâng khống giá trị căn nhà số 407 Sư Vạn Hạnh, phường 12, quận 10, TPHCM. Sau đó, Hảo bán cho Ngân hàng Đại Tín. Qua phi vụ này, Hảo tạo điều kiện cho bà Phấn "bỏ túi" 16 tỷ đồng.
Không dừng lại ở việc bắt nhân viên ngân hàng làm theo chỉ đạo của mình, Hứa Thị Phấn còn tận dụng đến 2 "thuộc cấp" thân tín của mình ở công ty Phúc Nguyễn tham gia vào phi vụ "mua rẻ, nâng khống, bán cao" này.
Theo đó, Xuân Dung đứng tên, mua, bán, nâng khống giá trị căn nhà số 10 Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, Quận 1, TPHCM rồi bán cho ngân hàng Đại Tín. Hành vi này của Dung giúp bà Phấn chiếm đoạt và gây thiệt hại cho ngân hàng 341 tỷ đồng.
Cũng với thủ đoạn tương tự như trên, Bùi Thị Kim Loan giúp Hứa Thị Phấn "rút ruột" của Đại Tín hơn 60 tỷ đồng trong thương vụ mua bán căn nhà số 422B Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3, TPHCM và 409 Sư Vạn Hạnh, phường 12, quận 10, TPHCM.
Bà Hứa Thị Phấn được xác định có liên quan đến nhiều vụ án, nhiều bị cáo trong lĩnh vực ngân hàng do những sai phạm chồng chất mà bà đã thực hiện.
Liên quan đến những hành vi trước đây, ngày 2/11, TAND Cấp cao tại TPHCM đã bác kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm mức án 30 năm tù đối với bị cáo Hứa Thị Phấn về các tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Bên cạnh mức hình phạt 30 năm tù, bà Hứa Thị Phấn còn có nghĩa vụ phải bồi thường 1.105 tỷ đồng cho ngân hàng Xây dựng (tiền thân là Ngân hàng Đại Tín) liên quan đến hành vi nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch và bồi thường hơn 15.691 tỷ đồng cho ngân hàng Xây dựng liên quan đến hành vi cố ý làm trái.
Như vậy, tổng cộng số tiền mà bà Hứa Thị Phấn phải bồi thường cho ngân hàng Xây dựng trong 2 hành vi nêu trên là hơn 16.000 tỷ đồng.
Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên bà Phấn có nghĩa vụ đóng án phí hình sự sơ thẩm 200.000 đồng và án phí dân sự sơ thẩm gần 17 tỷ đồng.