Lo ngại tác động từ tăng giá xăng dầu

(BĐT) - Không nằm ngoài dự đoán, chiều ngày 20/9, Liên bộ Công Thương - Tài chính vừa có văn bản chỉ đạo điều hành giá xăng dầu, theo đó tiếp tục điều chỉnh tăng giá bán lẻ xăng dầu tại thị trường trong nước. 
Giá xăng dầu tăng sẽ có tác động không thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ảnh: Lê Tiên
Giá xăng dầu tăng sẽ có tác động không thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ảnh: Lê Tiên

Các chuyên gia và doanh nghiệp (DN) lo ngại giá xăng dầu tăng sẽ có tác động không thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh và khiến CPI tháng 9 tiếp tục tăng.

Giá tăng lại phải cõng thêm thuế phí

Theo sự điều hành của Liên bộ Tài chính - Công Thương, tại đợt tăng giá này, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu tăng dao động trong khoảng 4 - 156 đồng/lít tùy theo từng chủng loại. Trong đó, giá bán xăng RON 92 tăng cao nhất, trên 156 đồng/lít, theo đó giá bán xăng loại này sẽ tăng lên 16.232 đồng/lít từ chiều ngày 20/9. Bên cạnh đó, các mặt hàng xăng và dầu khác cũng tăng dao động từ 99-133 đồng/lít. Mức giá này được đưa ra sau khi vẫn giữ nguyên mức chi Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với xăng RON 92 và E5 là 300 đồng/lít. Theo lý giải của Liên bộ, việc điều chỉnh tăng giá là do bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới  trong 15 ngày trước ngày 20/9 tiếp tục tăng cao, trong đó giá bán xăng RON 92 ở mức 55,547 USD/thùng; dầu diesel 0,05S giá bình quân 54,694 USD/thùng; giá dầu hỏa là 55,074 USD/thùng. Tính chung từ cuối tháng 8, đây là đợt điều chỉnh tăng lần thứ 3 liên tiếp của giá bán lẻ xăng dầu tại thị trường trong nước.

Điều đáng chú ý là cùng với những biến động tăng liên tục gần đây của giá xăng dầu trên trên thị trường thế giới, thì cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) mới từ thời điểm 1/7/2016 đã khiến giá xăng lại tiếp tục phải gánh thêm tối thiểu từ 150 - 200 đồng/lít khi đến tay người tiêu dùng cuối cùng. Điều này khiến giá bán lẻ xăng dầu tại thị trường trong nước tăng mạnh hơn so với mức tăng giá trên thị trường thế giới, khiến người tiêu dùng trong nước chịu nhiều thiệt thòi và tạo ra những tác động dây chuyền tới hoạt động sản xuất kinh doanh của DN do giá cả, chi phí đầu vào tăng.

Theo tính toán của chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, cách tính thuế TTĐB mới với việc cộng thêm tới 3 loại chi phí khác nhau đã khiến giá xăng tăng lên tối thiểu 150 - 200 đồng/lít. Cụ thể, các chi phí cộng thêm vào giá xăng bao gồm chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức và góp quỹ bình ổn giá. Trong đó, giá mỗi lít xăng bao gồm lợi nhuận định mức là 300 đồng, chi phí kinh doanh định mức 1.050 đồng, quỹ bình ổn giá 300 đồng. “Tính tổng cộng cả 3 loại chi phí này có thể lên tới 1.650 đồng. Tính trung bình mức 10% thuế TTĐB thì tính ra mỗi lít xăng bán ra thị trường, người tiêu dùng và các DN phải chịu thêm tối thiểu 165 đồng/lít” - ông Long phân tích. Theo ông Long, với cách tính này, người tiêu dùng Việt Nam đang phải chịu thiệt so với thế giới, do mức thuế phí áp dụng trong nước đối với mặt hàng xăng có xu hướng ngày càng tăng lên. 

CPI tháng 9 dự kiến tăng theo giá xăng

Tác động của hai đợt điều chỉnh tăng giá xăng dầu ngày 19/8 và ngày 5/9 vừa qua sẽ được tính vào kỳ tính chỉ số giá tháng 9/2016, còn đợt điều chỉnh gần nhất vào ngày 20/9 này tuy không tính vào tháng 9 song sẽ tiếp tục gây sức ép tăng giá các mặt hàng và tác động tới CPI những tháng cuối năm
Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, việc giá xăng liên tục điều chỉnh tăng trong thời gian gần đây chắc chắn sẽ có tác động tới lạm phát và chỉ số CPI tháng 9 này, do giá xăng là yếu tố đầu vào của các ngành sản xuất và đặc biệt là yếu tố quyết định chi phí giao thông vốn là nhóm hàng có ảnh hưởng lớn, có tác động trực tiếp tới mức tăng (hoặc giảm) của CPI.  Cũng theo Tổng cục Thống kê, bên cạnh việc đẩy giá hàng hóa lên cao do chi phí sản xuất gia tăng, điều rõ ràng là giá xăng tăng mạnh sẽ kéo theo sự điều chỉnh tăng giá cước đối với các phương tiện chở hàng, chở khách, từ đó làm tăng chỉ số giá tiêu dùng.

Đồng tình với nhận định này, Cục Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính cũng cho rằng, cùng với các yếu tố chính như học phí và viện phí điều chỉnh tăng giá gần đây, thì việc giá xăng dầu liên tục tăng trong 2 tháng gần đây sẽ gây áp lực tăng lên mặt bằng giá cả hàng hóa, khiến chỉ số CPI tháng 9 sẽ tăng so với dự báo. Đặc biệt, đáng chú ý là tác động của hai đợt điều chỉnh tăng giá xăng dầu ngày 19/8 và ngày 5/9 vừa qua sẽ được tính vào kỳ tính chỉ số giá tháng 9/2016, còn đợt điều chỉnh gần nhất vào ngày 20/9 này tuy không tính vào tháng 9 song sẽ tiếp tục gây sức ép tăng giá các mặt hàng và tác động tới CPI các tháng cuối năm. Đây là điều không thuận cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong những tháng cuối năm của các DN khi đang gấp rút hoàn tất các đơn hàng sản xuất để kịp đạt mục tiêu kế hoạch, song do chi phí đầu vào tăng, rất có thể sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch đã đặt ra.

Chuyên gia Ngô Trí Long khuyến cáo: “Trong tình hình này, các DN buộc phải tính tới việc cắt giảm bớt các chi phí khác, thậm chí phải tính tới cả phương án giảm lãi, giữ nguyên giá bán để giữ chân khách hàng, tránh tăng giá đồng loạt khiến lạm phát gia tăng cuối năm càng tạo áp lực không thuận cho việc hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh cả năm”.

Chuyên đề