Nhiều nhân viên Công ty CP Địa ốc Alibaba đã thu dọn đồ đạc ra khỏi trụ sở công ty trong những ngày qua |
Lấy tiền khách mua sau trả lãi cho khách mua trước
Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Địa ốc Alibaba và Nguyễn Thái Lĩnh, Tổng giám đốc Công ty CP Địa ốc Alibaba đã bị bắt tạm giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thế nhưng, nhiều người vẫn chưa hiểu rõ chiêu thức của hai anh em Luyện, Lĩnh trong suốt những năm tháng kinh doanh bất động sản.
Theo tài liệu mà chúng tôi thu thập, Công ty CP Địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba) và các công ty thành viên đã thu gom mua một số lượng đất nông nghiệp lớn tại các tỉnh như Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận. Trong đó có một số ít là đất ở tại nông thôn và giao cho các cá nhân đứng tên. Sau đó, Công ty Alibaba tự ý “vẽ” ra những dự án “ma” trên giấy.
Hầu hết các dự án do Công ty Alibaba tự vẽ đều không được các cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt và cấp phép cho làm dự án. Thế nhưng, công ty này vẫn quảng cáo, giới thiệu rầm rộ để tiếp cận người mua.
Các dự án "ma" do Công ty Alibaba vẽ ra trên giấy và tự ý san lấp mặt bằng, làm hạ tầng, trồng cây xanh để đánh lừa người mua.
Khi khách hàng “cắn câu”, Công ty Alibaba sẽ đưa ra 2 phương án để khách hàng lựa chọn, một là nhận đất, hai là không nhận đất và chỉ nhận lãi suất. Phương án nhận lãi suất được nhiều khách hàng lựa chọn.
Khách hàng sẽ cho Công ty Alibaba thuê lại với giá 2%/tháng. Công ty này cũng cam kết mua lại đất cho khách với giá chênh lệch 30% sau 1 năm hoặc 38% sau 15 tháng. Trong thời gian đó, Công ty Alibaba sẽ được toàn quyền kinh doanh trên lô đất của khách.
Những lô đất không bán hết trong đợt 1 sẽ được tiếp tục bán ra trong đợt 2 với giá bán được tính theo công thức sau: giá bán đợt 1 + lãi suất phải trả cho khách + 10% chi phí quản trị doanh nghiệp.
Nếu đợt 2 chưa bán hết thì các lô đất còn lại sẽ tiếp tục được bán trong đợt 3 với mức giá được tính theo công thức tương tự nói trên: giá bán đợt 2 + lãi suất phải trả cho khách + 10% chi phí quản trị doanh nghiệp.
Xác nhận về thông tin này, chị N.T.T (ngụ Bình Dương), một khách hàng của Công ty Alibaba cho biết, chị đã đóng hơn 254 triệu đồng để mua dự án Alibaba Phú Mỹ Central City tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Chị là khách hàng đợt 1 nên được mua với giá 2,3 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, khách hàng đợt sau phải mua với giá từ 3 – 4 triệu đồng/m2.
“Công ty Alibaba hứa là dự án có sổ đỏ thổ cư từng nền nhưng đến nay đã có sổ sách gì đâu, chúng tôi cũng chưa nhận được nền”, chị T. nói.
Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch Công ty Alibaba đã bị bắt về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Không chỉ có chị T., ông N.Q.T (ngụ Đồng Nai) cũng đóng 300 triệu đồng cho Công ty Alibaba để mua đất nền tại dự án Thắng Hải New Time City (Bình Thuận) nhưng đến nay cũng chưa được giao nền. Nhiều khách hàng khác cũng rơi vào cảnh tương tự vì tin vào đất giá rẻ, lợi nhuận cao.
Trụ sở đóng cửa, nhân viên "tan tác"
Theo ghi nhận của PV, trụ sở của Công ty Alibaba trên đường Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức) đã ngừng hoạt động. Chủ tòa nhà này đang chờ thông báo của Công ty Alibaba để thanh lý hợp đồng, lấy lại mặt bằng, cho người khác thuê. Nhiều nhân viên của Công ty Alibaba cũng đã đến trụ sở để thu dọn đồ đạc rời khỏi công ty.
Nhiều khách hàng chia sẻ, họ đã cố gắng liên hệ với nhân viên kinh doanh của Công ty Alibaba trong những ngày qua nhưng rất khó liên lạc. Thậm chí, một số nhân viên kinh doanh đã “mất liên lạc” hoàn toàn.
“Lúc chào bán dự án thì nhân viên mời chào, săn đón nhiệt tình lắm. Bây giờ lãnh đạo công ty bị bắt thì tôi gọi điện thoại không được nữa. Gia đình tôi đã lên cơ quan công an để tố cáo”, anh H., một khách hàng chia sẻ.
Nhiều khách hàng đã đến Cơ quan CSĐT - Công an TPHCM để làm đơn tố cáo Công ty Alibaba.
Theo các chuyên gia kinh tế và luật sư tại TPHCM thì ngoài việc lãnh đạo, nhân viên Công ty Alibaba bị xử lý thì cũng cần xem xét trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương nơi xảy ra việc phân lô, rao bán dự án “ma”. Cần xác định rõ xem có dấu hiệu buông lỏng quản lý, thông đồng, bao che hay không để xem xét xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.