Sau 10 năm xuất hiện, Bitcoin đã và đang gây ra vô số bối rối với các ngân hàng trung ương. |
Theo lời các chuyên gia, Bitcoin được sinh nở từ trong hơi nóng ngột ngạt giữa một bên là đồng tiền truyền thống có quyền lực tập trung với bên kia là đồng tiền số quyền lực phân tán nhờ nền tảng Blockchain. Sau 10 năm xuất hiện, Bitcoin đã và đang gây ra vô số bối rối với các ngân hàng trung ương.
Cũng thời gian đó, chúng kịp định danh Việt Nam là một trong những địa chỉ đứng đầu thế giới về phương diện “tìm kiếm Bitcoin và Blockchain” cũng như phát hành ICO mà 90% trong đó là lừa đảo.
Lân la trong giới Bitcoin, tình cờ gặp một “cao thủ” mà về sau này được biết, ông chính là nhân vật tương đối có ảnh hưởng trên thị trường Bitcoin và công nghệ Blockchain tại Việt Nam.
Họ là những ai?
Được cha mình là một nhà khoa học nổi tiếng về địa chất ủng hộ, Lê Huy Hòa cùng một lúc học cả hai trường là Đại học Y Hà Nội và Đại học Bách khoa Hà Nội, tốt nghiệp với điểm số tương đối cao, ông không hành nghề như một Bác sỹ Nhi khoa mà lựa chọn công nghệ thông tin làm nghề nghiệp của mình.
Vốn hâm mộ mã nguồn mở, trải qua nhiều vị trí công tác, Bitcoin và Blockchain trở thành nơi dừng chân của ông gần 10 năm nay. Vị sáng lập diễn đàn HiPT Bitcoin Forum đình đám trên thị trường tài sản số giãi bày về mình như vậy khi được hỏi “cộng đồng Bitcoin là những ai”.
Theo ông, giới Bitcoin Việt Nam tạm chia làm 5 nhóm. Nhóm thứ nhất, bao gồm các chuyên gia công nghệ Blockchain.
Nhóm thứ hai, là thành phần lợi dụng Blockchain để tư lợi. Hành vi của họ ở nhiều dạng khác nhau nhưng tập trung nhiều nhất là phát hành và tham gia các dự án hút vốn thường gọi là ICO để lừa đảo.
Nhóm thứ ba là những nhà đầu tư thực sự. Họ kiên trì bám sàn, theo dõi sát sao diễn biến thị trường, giống hệt các nhà đầu tư lâu năm trên thị trường chứng khoán.
Ở Việt Nam có khoảng 6 - 10 sàn khá uy tín và đều công khai là “sàn giao dịch Bitcoin” trong số nhan nhản sàn, trang web cho phép mua bán, kêu gọi đầu tư, hùn vốn mua máy đào ở các “farm”. Dù Nhà nước không cấp phép sàn với tên gọi như vậy nhưng cũng không thấy cơ quan nào cản trở nên chúng cứ tồn tại.
Trong nhóm thứ ba nêu trên, gần đây đã xuất hiện thêm những “tay to”, ước chừng khoảng 30% nhà đầu tư bước ra từ thị trường bất động sản mon men đến với Bitcoin và các loại “coin”. Với một tâm thế “xem nó thế nào” họ sẵn sàng bỏ ra cả chục tỷ đồng giao cho một đội ngũ đầu tư và/hoặc đầu cơ lướt sóng và sẵn sàng được thì chia, mất thì thôi.
Nhóm thứ tư, những người có kiến thức về “nền kinh tế số”, hoạt động của họ vừa đầu tư Bitcoin, các loại “coin”; vừa kinh doanh các dịch vụ liên quan tới Blockchain và Bitcoin như làm nội dung, sản xuất các clip phát hành trên youtube, xuất bản sách dạy cách đầu tư vào tài sản số.
Nhóm này không thể không nhắc tới những cái tên đình đám như vị chuyên gia Blockchain, sáng lập viên sàn HiPT Bitcoin Forum hay một “cao thủ” khác tên T, được cho là “xuất chúng”. Giới tiền số kháo nhau rằng, T xuất phát từ hoạt động đa cấp, sau đó bước vào lĩnh vực “coin” và Blockchain, hiện nắm giữ một lượng Bitcoin “khủng”.
Những thành viên của nhóm này đang từng bước hợp tác với nhau và cùng thành lập các học viện Blockchain cũng như đầu tư tích cực cho các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng công nghệ này trong các lĩnh vức thiết yếu như FinTech (Công nghệ tài chính), quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân, dịch vụ vận tải...
Nhóm thứ năm là phần còn lại, gồm: quan chức, công chức nhà nước, trí thức, người Việt ở nước ngoài và người nước ngoài ở Việt Nam...
Hai mặt của đồng xu
Mới đây, trên sàn chứng khoán HNX, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) tổ chức buổi Talk-show “Bitcoin và làn sóng Blockchain”. Tại đây, giải thích một phần câu chuyện ra đời của Bitcoin, chuyên gia Trần Hữu Đức (thành viên Câu lạc bộ Fintech - Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) nói: “Năm 2009 là thời điểm các ngân hàng trung ương vẫn còn tranh cãi về đưa ra gói cứu trợ khủng hoảng tiền tệ khiến giới trẻ giữ tiền không còn tin tưởng nữa. Bitcoin cũng sinh ra từ đây. Nhiều người không còn tin vào hệ thống tiền tệ thì mới ra bitcoin và niềm tin vào tiền ảo hình thành”.
Theo ông Lê Huy Hòa, điều này là hoàn toàn không chính xác vì những nghiên cứu căn bản về toán học, lý thuyết mật mã, công nghệ thông tin... để tạo lập nền tảng cho việc ra đời Bitcoin đã được tiến hành từ nhiều chục năm trước.
Theo phân tích của các chuyên gia công nghệ, dựa trên nền tảng Blockchain, Bitcoin ra đời đồng nghĩa với một thông điệp vừa mang tính thách thức vừa đóng vai trò là một công cụ hữu hiệu gửi đến các ngân hàng trung ương. Chưa hiểu rõ vai trò của nó, như “đỉa phải vôi”, phần lớn các thể chế tài chính tìm cách đẩy Bitcoin ra khỏi đời sống tiền tệ pháp định chính danh.
Lý giải điều này là đơn giản. Theo lý thuyết hiện hành, tiền tệ truyền thống có những thuộc tính như: phương tiện thanh toán, phương tiện dự trữ cất giữ giá trị, được đảm bảo bằng niềm tin và do chính phủ độc quyền phát hành. Căn cứ vào các thuộc tính này, Bitcoin thoả mãn gần hết, ngoại trừ tính độc quyền của cơ quan phát hành. Bởi lẽ, trên nền tảng thuật toán phân tán Blockchain, không một ai có thể độc quyền Bitcoin.
Cùng đó, về mặt cung ứng, cha đẻ ẩn danh của đồng Bitcoin là Satoshi Nakamoto chỉ cho ra đời 21 triệu đơn vị, hiện tại đã đào được khoảng 18 triệu Bitcoin. Và, ngay cả Satoshi Nakamoto cũng không thể tác động đến Bitcoin, bằng chứng là sau khi Bitcoin ra mắt, Satoshi Nakamoto biến mất và mãi mãi có thể là dấu hỏi trong việc nhận biết đó (ông/bà hoặc nhiều người) là ai.
Do vậy, 18 triệu Bitcoin nói trên, nhờ vào công nghệ Blockchain nên cho phép nhận biết những tài khoản mà chúng đang trú ngụ. Gần đây, một điển hình in tiền vô tội vạ là đồng bolivar của Venezuela tại thời điểm tháng 7/2017 mất giá đến nỗi 1 USD đổi gần 10.390 bolivar càng củng cố thêm niềm tin vào tính chất phi độc quyền và tiếp nối giấc mơ tự do tiền tệ của những người cổ suý cho Bitcoin.
Trở lại với câu chuyện hai mặt một đồng xu. Khi những đường cáp quang internet làm mịn lồi lõm, khúc cua của xa lộ thông tin trên thế giới, Bitcoin và những đồng tiền số đã đi vào Việt Nam với vẻ ngoài thật âm thầm nhưng bên trong lại là một đời sống chợ phiên huyên náo như thể trăm năm mới họp một ngày. Những sàn giao dịch trên mạng, quán cà phê kiêm lớp dạy đầu tư và cả những mưu đồ phát hành ICO ẩn chứa 90% lừa đảo không khó để nhận biết.
Theo chuyên gia Lê Huy Hoà, ở Việt Nam hiện có khoảng 1,5 triệu nick tham gia trên thị trường đào, kinh doanh, cung ứng dịch vụ... dành cho Bitcoin và các loại tiền số; trong đó, một nick có thể có nhiều tài khoản. Nhìn chung, tốc độ tăng trưởng của thành viên thị trường khoảng 10 -12% mỗi tháng.
Ở những phiên chợ ấy, luôn tồn tại song song hoạt động đào ở các “farm” (ví dụ “farm” ở Lâm Đồng), sàn mua bán, cung ứng dịch vụ đầu tư, thậm chí là coi những con vi rút như là thứ công cụ hỗ trợ quá trình đào để gieo rắc vào cộng đồng lương thiện trên internet. Nhưng đó cũng chưa là gì so với ICO và/hoặc đa cấp, những hình thức gọi vốn biến tướng thông qua hô hào phát hành dự án.
Cơ chế phát hành ICO khá đơn giản: chủ dự án dùng tên ẩn danh (nick ảo), lập một và/hoặc nhiều diễn đàn kêu gọi mọi người chung vốn đầu tư vào một đồng tiền số (coin) do họ phát hành kèm lời hứa “thu lời gấp bội” chỉ sau 6 tháng hay 1 năm. Mỗi ngày một chủ ICO có thể cho ra thị trường 10 “coin”, đến nỗi, vị chuyên gia này đưa ra ước tính, Việt Nam là nơi cung ứng khoảng 50% lượng “coin” mới trên toàn thế giới.
Chỉ phải bỏ ra 1 vốn nhưng có thể thu về 4 - 5 lời hoặc hơn, chủ các ICO ôm cục tiền kha khá, thậm chí tới hàng chục tỷ đồng từ các nhà đầu tư rồi lặng lẽ biến mất. Do hầu hết chủ ICO chỉ xuất hiện dưới tên ẩn danh nên rất khó truy tìm. Những ai trót tin và giao tiền đành chịu mất. Pháp luật chưa thấy ngó ngàng gì tới những hành vi này, ngoại trừ ít ỏi vài vụ vụ bắt giữ như trường hợp nhóm lừa đảo ở Bắc Giang vào tháng 12/2017.
Ngoài ra, một hình thức lừa đảo nữa trên thị trường tiền số là lập sàn quy tụ người bán, người mua các loại “coin”, đặc biệt là Bitcoin, sau đó đột ngột cho sập và biến mất cùng lượng tài sản trên đó.
Mong được lộ sáng để đóng thuế?
Cũng chính vì sự nhộn nhạo như vậy nên những người tự coi mình là chân chính trong giới mong muốn được pháp luật bảo hộ. Không những thế, như ở Malaysia, họ còn có kế hoạch cùng nhau thành lập các “Biệt đội săn Coin đều” với những công cụ hiện đại để hỗ trợ cộng đồng.
Một nhà đầu tư lâu năm phân trần: rất muốn nhà nước cho phép Bitcoin và các loại tiền số được giao dịch mua bán như sàn chứng khoán. Ở đó, có người mua, kẻ bán, đơn vị/cá nhân phát hành ICO. Mỗi thể nhân, pháp nhân đều được định danh với một mã số gắn với nhân thân quản lý hành chính thông qua chứng minh nhân dân, thẻ căn cước. Kèm theo là không gian pháp lý cộng với hệ thống giám sát để ngăn ngừa, trừng phạt hành vi gian lận, lừa đảo.
“Nếu cơ quan quản lý e ngại chuyện đánh đồng về tiền tệ hay phương tiện thanh toán thì nên gom Bitcoin và các coin khác thành một khái niệm là tài sản số, tương tự như tên miền. Như vậy, kể cả đồ trên Võ Lâm truyền kỳ cũng thu được thuế”, nhà đầu nói trên thổ lộ.
Đồng quan điểm này, ông Lê Huy Hoà phân tích thêm, có vẻ như hệ thống luật pháp Việt Nam bị mang tiếng là đi sau thời cuộc nhưng cũng giống nhiều nước trên thế giới, cách giải thích luật ở Việt Nam rất linh hoạt.
Ví dụ, tên miền “.vn” là một loại tài sản số được phép kinh doanh và có luật bảo hộ. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp ra đời do quên đăng ký tên miền nên bị giới đi săn chộp và nhanh chân đăng ký bản quyền. Đến khi vận hành trơn tru, họ bắt đầu lập tên miền thì đã bị “chăn” từ trước đó, buộc phải trả rất nhiều tiền mới mua lại được tên miền như mong muốn.
Ông Hoà cho rằng, nếu tư duy quản lý theo hướng trên, coi Bitcoin/coin cũng là một dạng tài sản số thì nhà nước vừa thu được thuế, thu hút được đầu tư cả trong và ngoài nước, vừa đồng thời có được một đội ngũ nhân lực phát triển công nghệ BlockChain và hoàn toàn có thể bài trừ thẳng tay tình trạng lừa đảo qua phát hành ICO.
Liên quan đến câu chuyện quản lý Bitcoin và tiền số, cuối tháng 8/2017, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Thủ tướng giao cho Bộ Tư pháp chủ trì cùng các Bộ Tài chính, Công Thương, Công an và Ngân hàng Nhà nước phối hợp xây dựng Đề án quản lý tiền kỹ thuật số để trình Chính phủ ban hành.
Trong khi chờ đợi đề án này ra đời thì thị trường tiền số tiếp tục trôi trên “dòng sông” thông tin với những cụm từ quen thuộc: “tuột dốc”, “thảm hoạ”, “trắng tay”, “hoảng loạn”.
Còn ở các diễn đàn “offline” gắn livestream, không ít “hiền nhân”, có thể có cả những ICO lừa đảo đã “gác kiếm” tuôn trào kỹ năng đầu tư và lời khuyên bất tận “kiềm chế được lòng tham là kiểm soát được nửa cuộc chơi”.
Cũng không thể không nhắc đến bên cạnh vài vụ bắt bớ lừa đảo hay sự mạnh miệng của một vài sàn “cấm giao dịch Bitcoin thì coi đó là hàng và niêm yết bằng VND” là những người chơi được cho là lành mạnh đang mong ngày được “lộ sáng”.