Cần tạo điều kiện cho sự xuất hiện các doanh nghiệp nội địa lớn để dẫn đầu chuỗi giá trị. Ảnh: Lê Tiên |
Doanh nghiệp “nội” lép vế
Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM nhận xét, trong hơn 8 năm qua, Việt Nam duy trì được tốc độ tăng XK ở mức tương đối cao. Đây là một trong những điểm sáng của bức tranh kinh tế Việt Nam. Song điều đáng lưu ý là, tỷ trọng XK của doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm phần lớn, tới 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Tương tự, đối với nhập khẩu (NK), khối DN FDI cũng chiếm 60% tổng kim ngạch nhập khẩu. Cơ cấu xuất nhập khẩu không có gì thay đổi. Việt Nam vẫn chủ yếu nhập khẩu các mặt hàng nguyên phụ liệu dệt may, da giầy; vải các loại; sản phẩm từ sắt thép; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; ô tô nguyên chiếc các loại… Trong khi đó, xuất khẩu chủ yếu là hàng dệt may; giầy dép các loại; sắt thép…
“Cơ cấu xuất nhập khẩu này phần nào chứng tỏ cơ cấu kinh tế cứng nhắc, kém năng động, kém năng lực nội sinh thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Các ngành, nghề mới, sản phẩm và dịch vụ mới không xuất hiện hoặc có xuất hiện nhưng đóng vai trò không đáng kể ”, ông Cung đánh giá.
Về thị trường, Báo cáo của CIEM cho biết, chúng ta có nhiều nỗ lực đa dạng hóa thị trường XK, nhưng thực tế vẫn chưa thay đổi được cơ cấu các bạn hàng chủ yếu. Đối với thị trường XK, số liệu của Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương cho thấy, 8 tháng năm 2019, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, tiếp đến là Liên minh châu Âu, Trung Quốc… Trong khi đó, Trung Quốc vẫn là thị trường NK lớn nhất của Việt Nam; tiếp theo là Mỹ, Hàn Quốc, ASEAN, Nhật Bản…
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục có những diễn biến khó lường, một số ý kiến cho rằng, việc XK nhiều nhất sang Mỹ nhưng lại NK nhiều nhất từ Trung Quốc như hiện nay khiến chúng ta đứng ở giữa rất bấp bênh. Trong khi độ mở của nền kinh tế rất lớn, mối quan hệ kinh tế bất cân xứng làm cho quan hệ kinh tế đối ngoại trở nên phức tạp hơn, dễ bị tổn thương hơn.
Tăng cường năng lực nội sinh
Đặt vấn đề khắc phục sự mất cân bằng trong cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa, ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, không có nghĩa là hạn chế, kìm hãm đầu tư nước ngoài, mà phải làm cho khu vực kinh tế tư nhân trong nước phát triển với tốc độ nhanh hơn và đồng đều hơn so với hiện nay. Chúng ta cần phải tăng cường năng lực nội sinh cho khối DN trong nước phát triển với tốc độ bứt phá hơn, cạnh tranh hơn. Trên cơ sở đó, làm cho DN nhà nước (DNNN) trở nên tự chủ hơn, năng động theo quy luật thị trường; thúc đẩy DNNN tiếp tục đầu tư phát triển nhiều hơn, sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, cạnh tranh được trên thị trường quốc tế và đóng góp tương xứng với nguồn lực đang sử dụng đối với phát triển kinh tế đất nước. Còn đối với khu vực kinh tế tư nhân thì cần xóa bỏ các rào cản, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi để họ thỏa sức vươn lên, có sức cạnh tranh toàn cầu.
Đồng tình với quan điểm này, TS. Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, cho rằng, cần có hành động khẩn cấp để giải quyết các điểm yếu đã được xác định, hỗ trợ phát triển DN trong nước. Theo đó, chúng ta cần tập trung tăng cường nội lực cho DN bằng cách nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh cho họ. “Đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN trong các ngành/tiểu ngành nơi các DN tư nhân trong nước có thể sẵn sàng đảm nhận vai trò “dẫn dắt” từ các DNNN; gắn việc cổ phần hóa với xây dựng năng lực của các DN tư nhân trong nước; tạo điều kiện cho sự xuất hiện các DN lớn để dẫn đầu chuỗi giá trị”, ông Khôi đề xuất.
Về vấn đề này, Bộ Công Thương cũng yêu cầu đẩy mạnh triển khai các giải pháp tăng cường liên kết DN trong nước với DN FDI; tiếp tục bám sát thị trường, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và bảo vệ lợi ích của các ngành sản xuất trong nước (đặc biệt là các ngành như: thép, ô tô, phân bón, hóa chất...) để tiếp tục gia tăng sản lượng, giải phóng lực lượng sản xuất, gắn liền với đổi mới cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh.