Loại bỏ thiết bị sử dụng năng lượng kém hiệu quả và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp là giải pháp cần thiết góp phần giảm phát thải, hướng tới phát triển năng lượng xanh. Ảnh minh họa: Song Lê |
Theo đó, Dự thảo Quyết định nêu rõ 3 trường hợp không cho phép xây dựng. Một là các tổ máy phát điện bằng than, hiệu suất thô theo nhiệt trị thấp tại công suất định mức của tổ máy, quy về điều kiện nhiệt độ nước làm mát đầu vào 28°C và nhiệt độ môi trường 30°C, phải không thấp hơn: hiệu suất 34% với tổ máy có công suất ≥ 50 MW và < 150 MW; hiệu suất 38% với tổ máy có công suất ≥ 150 MW và < 300 MW; hiệu suất 39% với tổ máy có công suất ≥ 300 MW và < 600 MW…
Hai là các tổ máy phát điện bằng khí đốt, sử dụng công nghệ tuabin khí chu trình đơn, hiệu suất tổ tuabin khí (điều kiện ISO) không thấp hơn: 33% với tổ máy có công suất ≥ 100 MW và < 150 MW; 34% với tổ máy có công suất ≥ 150 MW và < 200 MW;…
Ba là các tổ máy phát điện bằng khí đốt, sử dụng công nghệ tuabin khí chu trình kết hợp, hiệu suất của cụm tuabin khí chu trình kết hợp (điều kiện ISO) theo công suất đơn vị của tổ tuabin khí đơn, không thấp hơn: 49% với tổ máy có công suất ≥ 100 MW và < 150 MW; 51% tương ứng với tổ máy có công suất ≥ 150 MW và < 200 MW…
Theo Bộ KH&CN, việc ban hành Danh mục là cần thiết nhằm loại bỏ các trang thiết bị sử dụng năng lượng kém hiệu quả và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp, góp phần quan trọng đáp ứng cân bằng nhu cầu năng lượng ngày một cao hơn của nền kinh tế, giúp khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên năng lượng, phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững. Bên cạnh đó, việc có được lộ trình rõ ràng sẽ giúp các doanh nghiệp chủ động hơn trong kế hoạch thay thế sản xuất của mình; các cơ quan quản lý nhà nước có cơ sở để hướng dẫn thực hiện trong phạm vi quản lý của mình.
Nhất trí cao với sự cần thiết phải ban hành Danh mục, trao đổi với Báo Đấu thầu, TS. Nguyễn Thành Sơn, chuyên gia năng lượng nhấn mạnh: “Chúng ta phải có những quy định như vậy để thúc đẩy các chủ đầu tư áp dụng công nghệ phát điện tương đối hiện đại, hiệu suất cao. Đây cũng là giải pháp cần thiết góp phần giảm phát thải ô nhiễm môi trường, hướng tới phát triển năng lượng xanh ở Việt Nam”.
Góp ý về Dự thảo Quyết định, ông Sơn cho rằng, thực tế có một số tổ máy phát điện bằng than, khí quy mô công suất nhỏ nhưng hiệu suất cao, ngược lại có những tổ máy quy mô công suất lớn nhưng hiệu suất lại thấp. Theo đó, không nhất thiết phải đưa quy mô tổ máy phát điện vào Dự thảo Quyết định, mà vấn đề quan trọng nhất là phải nhấn mạnh tổ máy hiệu suất thấp thì không nên được đầu tư. “Tổ máy phát điện nhỏ nhưng hiệu suất cao thì vẫn được đầu tư. Không nên cấm”, vị chuyên gia này nêu quan điểm.
Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), sản xuất điện hiện đang là nguồn phát thải CO2 lớn nhất liên quan đến lĩnh vực năng lượng, chiếm 41% trong tổng số 34 tỷ tấn CO2 phát thải trên toàn thế giới vào năm 2020.
Tại Việt Nam, thời gian qua, các chính sách liên quan đến tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng đã được ban hành. Tuy nhiên, kết quả khảo sát, tính toán của Bộ Công Thương cho thấy, hiệu suất sử dụng nguồn năng lượng trong các nhà máy điện tuabin hơi đốt than, dầu của nước ta chỉ đạt được từ 28% đến 36%, thấp hơn so với các nước phát triển khoảng 8 - 10%. Theo Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả Việt Nam (VECEA), năng lượng ở Việt Nam lãng phí ở cả khâu sản xuất lẫn tiêu thụ.
Nhiều ý kiến cho rằng, sử dụng năng lượng lãng phí đã để lại nhiều hệ lụy cho nền kinh tế như tốn nguồn lực đầu tư; cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên; ô nhiễm môi trường; giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp, quốc gia; người dân thêm khó khăn vì phải chi trả thêm chi phí; ảnh hưởng đến tăng trưởng xanh, phát triển bền vững; an ninh năng lượng quốc gia và các cam kết của Chính phủ về ứng phó với biến đổi khí hậu. Do đó, việc ban hành Danh mục là cần thiết nhằm góp phần giúp Việt Nam sớm hiện thực hóa cam kết xanh hóa ngành năng lượng, đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050.