ảnh Lê Tiên |
Theo Bộ Y tế, trước tình hình bệnh dịch COVID-19 đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Y tế, cần tăng cường chuẩn bị, đảm bảo công tác hậu cần, không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu vật tư, thiết bị y tế, trang thiết bị y tế xét nghiệm SARS-CoV-2.
Bộ Y tế cam kết sẽ hỗ trợ tối đa các thủ tục, hồ sơ, thực hiện nhanh quy trình cấp phép để thực hiện việc cấp nhanh các test xét nghiệm SARSCoV-2 để phục vụ phòng chống dịch hiện nay.
Trước đó, Bộ Y tế đã có Công văn số 5414/BYT-TB-CT ngày 08/7/2021 hướng dẫn việc chuẩn bị và nộp hồ sơ đăng ký, nhập khẩu sinh phẩm chẩn đoán/trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 phục vụ phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, qua quá trình thẩm định, xem xét hồ sơ vừa qua, Bộ Y tế (Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế) nhận thấy phần lớn các hồ sơ còn chưa đầy đủ, đơn vị chưa nắm chắc quy định về hồ sơ, thủ tục đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu các test nhanh xét nghiệm kháng nguyên SARS-CoV-2 nói riêng và các test nhanh xét nghiệm SARS-CoV-2 nói chung, dẫn đến tình trạng hồ sơ phải bổ sung nhiều lần, kéo dài thời gian cấp phép.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ Y tế hướng dẫn, việc thực hiện cấp giấy phép nhập khẩu test nhanh xét nghiệm kháng nguyên SARS-CoV-2 thực hiện quy định Thông tư 47/2010/TT-BYT ngày 29/12/2010 của Bộ Y tế hướng dẫn hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu thuốc và bao bì tiếp xúc trực tiếp với thuốc (thành phần hồ sơ nhập khẩu quy định tại Điều 11, hồ sơ pháp lý trong hồ sơ quy định tại Khoản 11 Điều 4, việc lập đơn hàng, ngôn ngữ và hình thức hồ sơ quy định tại Điều 5.
Thành phần hồ sơ để nhập nhẩu test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 gồm có: Giấy chứng nhận lưu hành tự do được quy định tại Luật Quản lý Ngoại thương (Điều 36) và Nghị định 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 quy định chi tiết một số Điều của Luật Quản lý ngoại thương (Điều 10), nhãn và hướng dẫn sử dụng theo quy định của Thông tư 06/2016/TT-BYT ngày 08/3/2016 quy định ghi nhãn thuốc phần sinh phẩm chẩn đoán (Khoản 2 Điều 7 và Điều 16).
Thủ tục nhập khẩu được thực hiện trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Bộ Y tế (https://dichvucong.moh.gov.vn).
Đối với các đơn vị đã nộp hồ sơ và đã nhận được thông báo bổ sung hồ sơ của Bộ Y tế, đề nghị các đơn vị nghiên cứu kỹ các quy định, khẩn trương liên hệ với nhà sản xuất, đơn vị cung cấp để nhanh chóng bổ sung hồ sơ theo yêu cầu để được xem xét giải quyết.
Theo thông tin cập nhật về tình hình dịch bệnh Covid-19 và công tác phòng, chống dịch tại Việt Nam tính đến ngày 16/7/2021 của Cục Y tế dự phòng tại Hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc công tác phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra cùng ngày, đợt dịch thứ 4 đã ghi nhận 37.998 ca tại 58 tỉnh, thành phố.
Trong đó, có 37.726 ca trong nước, 6.914 người đã khỏi bệnh, tổng số ca tử vong trong đợt dịch thứ 4 này 190.
12 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới, gồm: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hoà Bình, Bắc Cạn.
5 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn (Hà Nam, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Nam Định, Lào Cai).
Trên thế giới, biến chủng Delta (nguồn gốc từ Ấn Độ) đã lây lan ra hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ với trên 198 triệu ca mắc và trên 4 triệu người chết. Khu vực Đông Nam Á vẫn tiếp tục có diễn biến phức tạp, số ca mắc gia tăng tại 8/11 quốc gia. Trong tuần, Lào tăng 114%, Brunei tăng 129%, Myanmar tăng 88%, Thái Lan tăng 47%, Indonesia tăng 43%, Malaysia tăng 35%, Singapore tăng 35%.
Tại Việt Nam, số mắc đang tăng nhanh, đặc biệt tại TP.HCM và một số tỉnh phía Nam. Ca mắc trong cộng đồng, khu công nghiệp, các khu chợ dân sinh trên địa bàn Thành phố và lây lan sang một số địa phương lân cận. Dự báo trong thời gian tới các tỉnh, thành phố khác tiếp giáp với TP.HCM và các địa phương thuộc khu vực phía Nam (Bình Dương, Long An, Đồng Nai,…) cũng sẽ tiếp tục ghi nhận các ca mắc mới, do dịch bệnh đã lây lan ra cộng đồng, với các chuỗi lây nhiễm; nhiều người đã di chuyển ra khỏi khu vực có dịch trong thời gian trước đó, có thể mang mầm bệnh nhưng chưa được phát hiện.
Các tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Trung, miền Bắc số ca mắc mới trong tuần hầu hết giảm so với tuần trước đó. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh bùng phát là hiện hữu do người trở về địa phương có lịch sử đi lại, trở về từ các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, cần thực hiện nghiêm các biện pháp giám sát, theo dõi và khai báo y tế.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)