Không phức tạp nhưng còn chờ xác định khối lượng bóc đất đá
Giải thích nguyên nhân khiến kết luận thanh tra chậm trễ, ông Khánh cho biết, sau khi có dự thảo kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã làm việc với Vinacomin cũng như các bộ liên quan như Bộ Công thương, Bộ Tài chính về một số nội dung. Đây là các nội dung rất lớn, liên quan đến hàng nghìn tỷ đồng và còn có sự khác nhau về nhận thức và áp dụng văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ nhất là việc tính khối lượng bóc đất đá khi khai thác than. Đây là chi phí có tỷ trọng cấu thành rất lớn trong chi phí ngành than, lên đến mấy nghìn tỷ đồng. Do đó, không thể kết luận ngay mà phải xem xét kỹ.
Thứ hai là thuế tài nguyên đối với than, quy mô lên đến hàng nghìn tỷ đồng, vấn đề xác định đối tượng trực tiếp nộp thuế vẫn còn nhận thức khác nhau. Thanh tra Chính phủ đang làm việc cơ quan chức năng và bản thân Thanh tra Chính phủ cũng xem lại các quy định về vấn đề này.
“Cuộc thanh tra không có vướng mắc, không quá phức tạp nhưng chủ yếu là do một số vấn đề còn nhận thức khác nhau và quy mô giá trị rất lớn, liên quan đến chi phí của ngành than. Sau khi có nhiều ý kiến khác nhau, chúng tôi đã thành lập bộ phận thẩm định riêng chủ yếu tập trung vào các nội dung này”, ông Khánh thông tin thêm.
Chấn chỉnh quản lý, khắc phục vi phạm được thực hiện ngay trong quá trình thanh tra
Cũng liên quan đến tình trạng chậm ban hành kết luận sau khi thanh tra, ông Khánh cho biết đây là nội dung chắc chắn sẽ được đặt ra khi sửa Luật Thanh tra.
Thực tế, so với số ngày quy định trong luật thì nhiều trường hợp bị chậm. Quy định trong luật chưa cá biệt hóa hoạt động thanh tra, chưa đo lường tính phức tạp nhiều cuộc thanh tra mà Thanh tra Chính phủ hoặc là các Bộ tiến hành.
Mặc dù các kết luận thanh tra chậm ban hành đều có lý do nhưng tình trạng chậm trễ này khiến dư luận đặt câu hỏi liệu có ảnh hưởng đến việc tuân thủ pháp luật và khắc phục những tồn tại?
Ông Ngô Văn Khánh cho biết, “dù kết luận thanh tra ban hành chậm nhưng quá trình thanh tra, một số nội dung vi phạm cần làm ngay chúng tôi đã làm, không cần chờ kết luận thanh tra. Ví dụ như một số vụ có dấu hiệu hình sự, chúng tôi đã chuyển cơ quan chức năng”. Tuy vậy, ông Khánh không thông tin cụ thể các trường hợp phải chuyển cơ quan điều tra.
Mặc dù nhiều cuộc thanh tra ban hành kết luận chậm nhưng báo cáo giải trình việc thực hiện kết luận thanh tra của đơn vị được thanh tra thì thấy việc chấn chỉnh khắc phục được thực hiện ngay. Chẳng hạn như trường hợp thanh tra các dự án BOT, Trạm thu phí ở đường Pháp Vân - Cầu Giẽ đến Phủ Lý đã phải tháo dỡ.
Tất nhiên, việc chậm cũng có ảnh hưởng bởi một số nội dung phải chờ chính thức ban hành kết luận mới có căn cứ xử lý ví dụ xử lý trách nhiệm cá nhân hoặc các nội dung thu hồi, giao cơ quan nào thực hiện.
“Khi sửa Luật Thanh tra, chúng tôi sẽ cân nhắc đề xuất để đảm bảo tính đến trường hợp các cuộc thanh tra phức tạp, có nhiều vấn đề cần trao đổi thống nhất giữa nhiều bên” – ông Ngô Văn Khánh nói.