Hướng đi nào cho kinh tế Hà Nội khi dịch bệnh kéo dài?

(BĐT) - Theo các chuyên gia kinh tế, tập trung thúc đẩy đầu tư công với tinh thần quyết liệt của công tác phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn là hướng đi quan trọng của Hà Nội để duy trì và phát triển kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài.
Hà Nội sẽ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, sớm tháo gỡ khó khăn để các sở, ngành, quận, huyện và nhà thầu triển khai ngay khi gỡ bỏ tình trạng cách ly xã hội
Hà Nội sẽ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, sớm tháo gỡ khó khăn để các sở, ngành, quận, huyện và nhà thầu triển khai ngay khi gỡ bỏ tình trạng cách ly xã hội

Là trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội của cả nước, TP. Hà Nội đã sớm quan tâm xây dựng các giải pháp duy trì sản xuất kinh doanh song song với nhiệm vụ cấp bách hàng đầu là phòng chống dịch.

Cuối tháng 3/2020, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ và các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành uỷ đã làm việc với Đảng bộ khối doanh nghiệp Thành phố về thích ứng trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành Thủ đô. Nhiệm vụ được đặt ra cho 109 doanh nghiệp thành viên của Đảng bộ là bảo đảm sản xuất an toàn cho người lao động và tăng cường đổi mới, sáng tạo trong cơ cấu lại sản xuất, tìm kiếm các sản phẩm mới để duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh.

Từ sự chỉ đạo của Chính phủ, cấp uỷ, chính quyền TP. Hà Nội và sự năng động, sáng tạo của đơn vị, Tổng công ty May 10 thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã “dấn thân” sản xuất sản phẩm “bất đắc dĩ” là khẩu trang y tế. Trong buổi làm việc với lãnh đạo Thành ủy và UBND Thành phố hôm 7/4, Tổng giám đốc May 10 Thân Đức Việt cho biết, Công ty đã tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn cho công nhân, cơ cấu lại sản phẩm, mạnh dạn nhập máy sản xuất khẩu trang y tế, ký kết hợp đồng sản xuất khẩu trang phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Qua đó bù đắp giá trị thiếu hụt khi các đơn hàng may mặc bị ách tắc hoặc dừng hợp đồng trong năm 2020.

Nhưng chỉ doanh nghiệp “đơn thương độc mã” gánh nhiệm vụ duy trì, phát triển kinh tế sẽ khó thành công nếu không có vai trò hỗ trợ từ chính quyền. Do vậy, trong 2 ngày liên tiếp 7 và 8/4/2020, UBND Thành phố và Thường trực Thành uỷ Hà Nội đã bàn các phương hướng, giải pháp thúc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn.

Theo Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ, nguồn lực dành cho đầu tư công của Thành phố trong năm 2020 là rất lớn, khoảng 37.000 tỷ đồng, nếu được giải ngân kịp thời, đúng tiến độ sẽ góp phần quan trọng số 1 trong tăng cường cơ sở hạ tầng, tạo “vốn mồi” để “khơi dòng” đầu tư của các doanh nghiệp, duy trì và tạo ra nhiều việc làm, đóng góp mạnh mẽ cho tăng trưởng của Thành phố. Theo đó, TP. Hà Nội đã thống nhất các phương hướng, giải pháp quan trọng để nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc trong phối hợp công việc, thủ tục hành chính liên quan tới thẩm định, thi công, giải ngân và quyết toán các dự án đầu tư công trên địa bàn Thành phố.

Với kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn được Quốc hội, Chính phủ giao cho Hà Nội tương ứng khoảng 10% nguồn vốn dành cho cả nước (khoảng 110.000 tỷ đồng), nếu được giải ngân đúng tiến độ, hiệu quả sẽ góp phần rất lớn đối với tăng trưởng kinh tế của cả nước, nhất là khoản vốn giao trong năm 2020. 

Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung cho rằng, mặc dù kinh tế và thu ngân sách trên địa bàn được dự báo sẽ suy giảm trong năm nay nhưng Thành phố vẫn nỗ lực bố trí đủ nguồn để cân đối ngân sách, không điều chỉnh kế hoạch giao vốn đầu tư công năm 2020, đi liền với các nỗ lực tháo gỡ ách tắc để thúc đẩy nền kinh tế (cùng với TP.HCM đi đầu trong đóng góp khoảng 20% vào tăng trưởng GDP của cả nước, và đứng thứ hai ở mức 18,7% tổng thu ngân sách nhà nước).

Theo đó, TP. Hà Nội sẽ nghiên cứu, chỉ đạo thành lập Tổ công tác giải ngân vốn đầu tư công, sớm tháo gỡ khó khăn để các sở, ngành, quận, huyện và nhà thầu triển khai ngay các dự án khi gỡ bỏ tình trạng cách ly xã hội. Cùng với các giải pháp hỗ trợ về giãn, hoãn thuế cho doanh nghiệp, thì đẩy mạnh đầu tư công hiệu quả, khuyến khích doanh nghiệp sáng tạo, chuyển đổi hoạt động sẽ là các lực đẩy trực tiếp cho nền kinh tế trong năm 2020.

Chuyên đề