Ảnh Internet |
Bổ sung trở lại chế định "Đấu thầu dự án có sử dụng đất"
Đáng chú ý, trong văn bản trên, HoREA đã kiến nghị bổ sung trở lại chế định "Đấu thầu dự án có sử dụng đất" khi sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2013. Theo HoREA, Luật Đất đai 2003 có 3 chế định về chấp thuận chủ đầu tư dự án: một là, tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất; hai là, Nhà nước đấu giá quyền sử dụng đất; ba là, đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Thế nhưng, Luật Đất đai 2013 chỉ còn giữ lại 2 chế định: một là, tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất (theo điều 169); hai là, Nhà nước đấu giá quyền sử dụng đất (từ điều 117 đến 119). Trong khi đó, chế định "Đấu thầu dự án có sử dụng đất" không còn giữ lại trong Luật Đất đai 2013.
HoREA cũng chỉ ra rằng, năm 2014, chế định "Đấu thầu dự án có sử dụng đất" đã được đưa vào Luật Đấu thầu, nhưng Luật Đấu thầu chỉ giải quyết vấn đề về quy trình, thủ tục, điều kiện đấu thầu.
Thời gian qua các dự án hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông, chỉnh trang kênh rạch, xây dựng lại chung cư cũ thực hiện theo hình thức hợp tác công - tư (PPP), đặc biệt là loại hợp đồng theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT), hình thức xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT) mà phương thức thanh toán cho nhà thầu bằng quỹ đất đầu tư theo quy hoạch, có trường hợp là đất sạch, có trường hợp là đất chưa giải phóng mặt bằng, rất phổ biến.
“Hiện nay chúng ta đang chấn chỉnh lại hoạt động này nhằm đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư. Vì vậy, Hiệp hội kiến nghị bổ sung trở lại chế định "Đấu thầu dự án có sử dụng đất" khi sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2013 (luật nội dung) để đảm bảo tính logic, đồng bộ của pháp luật đất đai; theo đó, Luật Đấu thầu sẽ quy định việc tổ chức thực hiện chế định này”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết.
Chế định "phân loại đất" còn nhiều bất cập nên phải sửa đổi
Ngoài kiến nghị nói trên, HoREA cho rằng, về chế định "phân loại đất", hiện còn nhiều bất cập và thiếu tính hệ thống, đòi hỏi cần phải cập nhật theo nhu cầu mới của thực tiễn cuộc sống. Cho nên, việc bổ sung "đất du lịch"; "đất đặc khu kinh tế" vào loại đất phi nông nghiệp là cũng rất cần thiết.
Cụ thể, “Điều 151. Đất sử dụng cho khu kinh tế" với thời hạn sử dụng đất không quá 70 năm. Hiện nay, Quốc hội đang thảo luận đề án thành lập các "đặc khu kinh tế" với môi trường đầu tư và kinh doanh đặc biệt thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, dự kiến có thể giao quyền sử dụng đất có thời hạn tối đa đến 99 năm. Chế định này chưa được quy định trong Luật Đất đai 2013.
Do vậy, HoREA kiến nghị sửa đổi, bổ sung Điều 151 nói trên lại như sau: "Điều 151. Đất sử dụng cho khu kinh tế, đặc khu kinh tế", và xác định thời hạn sử dụng đất phù hợp theo quyết định của Quốc hội về đặc khu kinh tế.
Tương tự, "Điều 153. Đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp" có thể hiểu đã bao gồm loại "đất du lịch". Hiện nay, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 "Về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn".
Vì thế, HoREA đề nghị bổ sung "đất du lịch" vào Điều 153, là: "Đất thương mại, dịch vụ, du lịch; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp" để tạo điều kiện phát triển ngành du lịch.