Tiệp (ngoài cùng bên phải) và các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm. |
Ngày 14/11, TAND Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử 15 người về các tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Thao túng giá chứng khoán, Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức, Giả mạo trong công tác. Trong số các bị cáo, nhiều người là cán bộ ngân hàng.
Theo cáo buộc, tháng 9/2010, Nguyễn Văn Dĩnh (Công ty CP đầu tư Tây Bắc) mua lại hồ sơ pháp lý Công ty CP Mỏ và xuất nhập khẩu khoáng sản miền Trung - MTM, với giá ba tỷ đồng, và sở hữu quyền khai thác mỏ chì kẽm, đa kim loại tại Nghệ An.
Công ty này không có vốn, không hoạt động sản xuất kinh doanh. Đến tháng 1/2013 thì hạn khai thác khoáng sản 5 năm theo quy định của UBND tỉnh Nghệ An hết thời hiệu.
Dĩnh đã chỉ đạo em gái Nguyễn Thị Hiên, Ngô Văn Hiến (kế toán trưởng Công ty CP đầu tư khoáng sản Tây Bắc) làm giả hồ sơ để niêm yết MTM trên sàn chứng khoán.
Dĩnh và đồng phạm làm giả danh sách 103 cổ đông (nhờ người thân, quen "đóng thế") sở hữu 31 triệu cổ phần (tương đương 310 tỷ đồng). Ông ta còn chỉ đạo làm giả hợp đồng mua bán, góp vốn liên kết... giữa MTM với 4 công ty do nhóm Dĩnh sở hữu nhằm thể hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh, lợi nhuận.
Hiên, Hiến nhờ vào mối quan hệ với BIDV Nam Hà Nội, TPBank Tây Hà Nội, lập các chứng từ giả thể hiện cổ đông góp vốn và doanh số mua, bán hàng hóa qua tài khoản ngân hàng với tổng số tiền gần 490 tỷ đồng.
Làm "ảo thuật" trước camera an ninh ngân hàng
Theo cáo buộc, Hiên nhờ cán bộ BIDV Nam Hà Nội giúp "chạy khoản" bằng cách hạch toán dòng tiền trên hệ thống phần mềm qua các tài khoản do người của Dĩnh mở tại ngân hàng này. Mỗi giao dịch cách nhau vài phút để lập chứng từ giấy nộp tiền, ủy nhiệm chi, rút tiền.
Để đối phó với hoạt động kiểm tra, kiểm soát, nhóm cán bộ ngân hàng yêu cầu Hiên đến giao dịch phải đặt tiền mặt trên quầy giao dịch. Hiên cũng được họ hướng dẫn, mỗi lần đến giao dịch phải chia thành nhiều chứng từ để ngân hàng thu được nhiều phí dịch vụ.
Hiên đã thuê tiền của một số người. Theo thỏa thuận, bên cho thuê sẽ mang tiền tới phòng giao dịch để cán bộ ngân hàng "làm động tác kiểm đếm tiền", sau đó họ mang tiền về ngay.
Từ tháng 11/2013 đến tháng 5/2015, nhóm cán bộ ngân hàng này đã làm giả 143 chứng từ nộp tiền, ủy nhiệm chi, rút tiền, với tổng số gần 360 tỷ đồng cho MTM và các công ty, thu 67 triệu đồng phí giao dịch.
Tương tự, Hiến mở tài khoản và chuẩn bị trước các giấy nộp tiền, ủy nhiệm chi, rút séc, có đóng dấu, chữ ký để cán bộ ngân hàng TPBank hạch toán. Hiến đã nhờ Giám đốc TPBank Tây Hà Nội - Lê Thị Hằng Nga để làm giả 7 chứng từ góp vốn 130 tỷ đồng cho MTM. Phía ngân hàng này đã thu gần 39 triệu đồng, để ngoài sổ sách.
Cơ quan công tố cáo buộc: ba giám đốc, một phó giám đốc phòng giao dịch của hai nhà băng trên đã có hành vi giả mạo trong công tác, làm giả giấy tờ vì động cơ vụ lợi.
"Ma trận" thao túng chứng khoán
Hoàn tất hồ sơ trên, Dĩnh chỉ đạo cấp dưới đề nghị Ủy ban chứng khoán Nhà nước công nhận MTM là công ty đại chúng. Sau khi được chấp thuận, công ty gửi hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu MTM trên sàn chứng khoán Hà Nội - HNX. Tuy nhiên, ngày 29/5/2015, Dĩnh bị bắt ở một vụ án khác nên MTM rút hồ sơ đăng ký niêm yết.
Tháng 6/2015, Trần Hữu Tiệp và Phùng Thành Công đã tiếp cận vợ ông Dĩnh để thỏa thuận tiếp nhận hồ sơ pháp lý công ty trên. Bà này biết công ty không hoạt động nhưng vẫn đồng ý bàn giao, thỏa thuận nếu cổ phiếu MTM được giao dịch trên thị trường, mỗi bên sẽ sở hữu 50% trong tổng số 31 triệu cổ phiếu (tương đương 155 tỷ đồng).
Tháng 8/2015, Tiệp và Công làm giả hồ sơ đại hội cổ đông, thay đổi nhân sự chủ chốt MTM (trong đó Tiệp giữ chức chủ tịch HĐQT, Công - trưởng ban kiểm soát...).
Công và Tiệp làm thủ tục đăng ký giao dịch cổ phiếu trên "thị trường giao dịch chứng khoán của công ty đại chúng chưa niêm yết - Upcom". Sau khi được HNX chấp thuận, MTM đã có phiên giao dịch đầu tiên trên sàn Upcom ngày 15/4/2016, với giá 10.500 đồng/cổ phiếu.
Để thu hút nhà đầu tư, Công đã chỉ đạo Đỗ Hữu Tài, Bùi Thiện Lý sử dụng 59 tài khoản mở tại Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), Công ty CP chứng khoán Maritime (MSI) và Công ty CP chứng khoán Sài Gòn (SSI).
Tài và Lý dùng số tài khoản trên tạo cung cầu giả, thao túng giá cổ phiếu MTM. Hai người này liên tiếp đặt lệnh giao dịch trực tuyến, qua điện thoại, viết phiếu lệnh mua bán cổ phiếu MTM khớp chéo giữa các tài khoản trong nhóm.
Sau mỗi lần khớp lệnh, Công chỉ đạo rút ngay tiền bán cổ phiếu. Có tiền, Công tiếp tục nhờ họ bán vào các tài khoản khác trong nhóm mình để quay vòng mua chứng khoán, nhằm tạo cung cầu giả tạo.
Qua việc thao túng của Tài và Lý, 1.064 nhà đầu tư đã bị chiếm đoạt hơn 54 tỷ đồng, trong đó Tiệp hưởng lợi gần năm tỷ. Sau khi vụ án bị phát hiện, Công đã bỏ trốn.
Ngoài hành vi lừa đảo trên, Tiệp còn chiếm đoạt hai cá nhân tổng số tiền là 355 triệu đồng khi bán 166.000 cổ phiếu MTM vốn không có giá trị cho họ.
Dự kiến phiên tòa xét xử trong bảy ngày.