Các quan chức dự họp RCEP ở Tokyo, Nhật Bản ngày 1/7 - Ảnh: Nikkei. |
Bộ trưởng thương mại từ 16 quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương ngày 1/7 đã nhất trí mục tiêu đạt thỏa thuận về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trước cuối năm nay.
Tuy nhiên, theo tờ báo Nikkei của Nhật Bản, khoảng thời gian như vậy có thể là quá ngắn để các nước thành viên giải quyết bất đồng còn tồn tại trong nhiều vấn đề chính của hiệp định.
Bộ trưởng Bộ Thương mại Nhật Bản Hiroshige Seko và người đồng cấp Singapore Chan Chun Sing, hai đồng chủ tọa cuộc họp diễn ra ở Tokyo, Nhật Bản, xác nhận mục tiêu đến cuối năm đạt thỏa thuận RCEP.
Các nhà đàm phán sẽ "tập trung nỗ lực nhằm đạt một gói thỏa thuận trước cuối năm nay", tuyên bố chung của 16 vị bộ trưởng dự họp cho biết. Thỏa thuận thương mại được đề xuất này bao gồm Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và 10 nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Vào giữa tháng 7, các nhà đàm phán RCEP sẽ họp tại Thái Lan để thảo luận về cắt giảm thuế quan và thiết lập các quy tắc cho thương mại tự do. Tiếp đó, các bộ trưởng thương mại sẽ họp tại Singapore vào cuối tháng 8 để giải quyết các vấn đề đòi hỏi phải có quyết định chính trị và vạch ra một thỏa thuận khung để tiến tới thông qua vào cuộc họp thượng đỉnh dự kiến vào đầu tháng 11.
Một khi được ký kết, RCEP sẽ tạo ra một khu vực tự do thương mại chiếm một nửa dân số thế giới và khoảng 30% kim ngạch thương mại toàn cầu - lớn hơn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Mỹ rút lui.
Cả Nhật Bản và Trung Quốc muốn sử dụng RCEP để đối trọng với chủ nghĩa bảo hộ ngày càng gia tăng của Mỹ. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã hối thúc việc tạo ra một "thị trường tự do và dự trên quy tắc".
Tuy vậy, sau hơn 5 năm đàm phán, các thành viên RCEP mới chỉ đạt sự đồng thuận về 2 trong só 18 khoản của thỏa thuận. "Nhật Bản và một số nước như Trung Quốc có sự khác biệt quan điểm về thế nào là thương mại tự do", một nguồn tin chính phủ Nhật nói.
Những lĩnh vực mà các bên còn nhiều bất đồng bao gồm thương mại điện tử, trong đó Nhật Bản và Australia muốn cho phép dữ liệu di chuyển xuyên biên giới tự do hơn, trong khi Trung Quốc muốn có sự quản lý của nhà nước đối với dữ liệu. Nhật Bản muốn tăng cường bảo vệ tài sản trí tuệ, trong khi Ấn Độ muốn nới lỏng quy chế trong vấn đề này.
Sự di chuyển của lao động của gây tranh cãi. Ấn Độ muốn lao động trong ngành công nghệ của nước này được ra nước ngoài làm việc nhiều hơn, trong khi ASEAN muốn tập trung bảo vệ việc làm trong nước.
Nếu các nước thành viên RCEP không đạt thỏa thuận trong năm nay, các diễn biến chính trị ở nhiều nước ASEAN có thể gây trở ngại cho nỗ lực đạt thỏa thuận trong năm 2019. Chính quyền quân sự của Thái Lan dự kiến sẽ tổ chức bầu cử vào tháng 2 năm sau, trong khi cuộc bầu cử Tổng thống ở Indonesia sẽ diễn ra vào tháng 4.