Một khu tập thể cũ nằm trên đường Thanh Nhàn, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng. |
Mặc dù quy trình bán nhà đã được sửa đổi, bổ sung 3 lần theo hướng rút ngắn thời gian thụ lý hồ sơ và giảm các thủ tục hành chính; công khai giá bán cũng như các điều kiện nhà ở được bán và nhà ở thuộc diện không được bán, cùng với nhiều chế độ, chính sách miễn giảm tiền nhà, tiền sử dụng đất…, nhưng thực tế cho thấy, việc bán nhà và cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn thành phố vẫn còn chậm, tồn tại nhiều vướng mắc.
Gần 11.000 căn nhà không đủ điều kiện bán
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đang quản lý gần 14.000 căn hộ; trong đó, gần 3.000 căn nhà thuộc diện được bán đã có đơn và hồ sơ mua nhà. Còn lại gần 11.000 căn thuộc diện không đủ điều kiện để bán.
Theo kết luận mới đây của Đoàn Giám sát HĐND thành phố Hà Nội, nhiều trường hợp hộ gia đình thuộc diện đủ điều kiện được mua nhà và đã được đơn vị quản lý nhà tiếp nhận hồ sơ từ năm 2015 nhưng chưa được xem xét, giải quyết bán. Nhiều trường hợp có vướng mắc chưa được Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội và các cơ quan chức năng kiểm tra, tháo gỡ kịp thời, gây bức xúc trong dư luận nhân dân.
Đặc biệt, sau hơn 7 tháng qua, từ khi có Chỉ thị 09 – CT/TU của Thành uỷ và Chỉ thị 11/CT-UBND ngày 17/5/2016 của UBND thành phố về đẩy nhanh tiến độ bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước và cấp giấy chứng nhận, các đơn vị chức năng mới giải quyết bán được 148 căn. Không những vậy, việc quản lý, thống kê, theo dõi quỹ nhà ở này còn hạn chế; không có số liệu chính thức về số lượng nhà ở cũ do các cơ quan tự quản của Trung ương và Hà Nội chưa bàn giao về Sở Xây dựng quản lý.
Thiếu trách nhiệm trong xử lý, giải quyết
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực, HĐND thành phố Hà Nội - Phó trưởng đoàn giám sát cho biết, nhiều nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, bất cập trong công tác bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước. Tuy nhiên, trách nhiệm trước hết thuộc về Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội. Công ty này đã không thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao đối với các trường hợp thuộc diện đủ điều kiện được bán. Đồng thời, thiếu quyết liệt trong giải quyết các trường hợp còn vướng mắc. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa Sở Xây dựng với chính quyền các địa phương và Sở Tài nguyên và Môi trường trong quản lý, kê khai, xét cấp giấy chứng nhận cho các căn hộ thuộc diện nhà tự quản cũng chưa hiệu quả.
Do đó, Đoàn Giám sát đã kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, hiệu quả hoạt động, mô hình tổ chức của Công TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội; xem xét trách nhiệm cá nhân, tập thể để hồ sơ tồn đọng kéo dài hoặc để xảy ra vi phạm trong việc bán nhà.
UBND thành phố cũng chỉ đạo các đơn vị chức năng đẩy nhanh việc bán nhà, cấp giấy chứng nhận đối với các trường hợp đủ điều kiện được bán, phấn đấu cơ bản hoàn thành trong năm 2017. Cùng với đó, thực hiện tổng kiểm tra, thống kê đầy đủ quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước, quỹ nhà ở tập thể tự quản thuộc các cơ quan Trung ương – quốc phòng bàn giao về địa phương; phân cấp cho các quận, huyện quản lý nhằm nâng cao hiệu quả, gắn trách nhiệm của chính quyền cơ sở. Thành phố cần rà soát, kiểm tra các dự án đầu tư đã có quyết định thu hồi đất, nhưng qua nhiều năm chưa giải phóng mặt bằng, các diện tích đất vướng về quy hoạch để có giải pháp tháo gỡ đảm bảo quy định pháp luật làm căn cứ để cấp giấy chứng nhận. Trước mắt, đẩy nhanh việc rà soát tại dự án Nam Đại Cồ Việt, quận Hai Bà Trưng.
Theo ông Nguyễn Chí Dũng, Phó Giám đốc, Sở Xây dựng Hà Nội, việc giải quyết các thủ tục bán nhà của Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội còn chậm, không đảm bảo thời gian theo quy trình bán nhà là 45 ngày làm việc; chưa chủ động báo cáo các khó khăn, vướng mắc và đề xuất hướng giải quyết, tháo gỡ.
Tuy nhiên, bên cạnh những nguyên nhân chủ quan, ông Dũng cho biết thêm, việc thay đổi cơ chế giá bán, trình tự thủ tục, hồ sơ, thẩm quyền giải quyết; nhiều hồ sơ phức tạp như có tranh chấp, vướng quy hoạch, đã có quyết định thu hồi, nhà cổ và nhà biệt thự không được bán… cũng gây ảnh hưởng đến tiến độ bán nhà của thành phố. Đối với quỹ nhà có nguồn gốc thuộc sở hữu Nhà nước do các cơ quan tự quản Trung ương và thành phố quản lý trước đây, do buông lỏng nên hồ sơ gốc bị thất lạc từ nhiều năm hay nhiều cơ quan đã giải thể, sáp nhập. Nhiều cơ quan không hợp tác để hoàn tất thủ tục bàn giao, bán nhà cho các hộ gia đình và một số khu vực vướng quy hoạch, lấn chiếm đất công, sử dụng đất sai mục đích cần phải xử lý hoặc sắp xếp theo Quyết định số 09/QĐ-TTg.
Quyết liệt tháo gỡ vướng mắc
Trong tổng số gần 3.000 căn nhà đã có hồ sơ mua nhà và nhà ở đó thuộc diện để bán, Sở Xây dựng yêu cầu, trong năm nay, Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội phải giải quyết xong 2.199 căn đã có giá bán. Có 231 căn cần được xác định giá bán, Sở sẽ trình UBND thành phố phê duyệt phương án tính giá bán trong quý 3/2017. 483 căn còn lại chưa kiểm định giá bán, công ty sẽ phải mời Tổ chuyên viên liên ngành đi kiểm tra thực địa, xác định giá bán để hoàn thành việc tính giá bán trong quý 4/2017.
Theo ông Dũng, với gần 11.000 căn nhà không đủ điều kiện bán do còn nhiều vướng mắc, Sở Xây dựng sẽ phân loại cụ thể, xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị liên quan và đưa ra các giải pháp phải thực hiện trong năm 2017. Theo đó, Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội sẽ thực hiện loại khỏi danh sách bán nhà 1.698 căn vướng quy hoạch, giải phóng mặt bằng; thí điểm bán 20 biển số nhà trong khu phố cổ thuộc danh mục nhóm 3 để rà soát, đề xuất thành phố xem xét, quyết định với 670 căn còn lại; 1.592 căn liên quan tới vướng mắc không ký được hợp đồng thuê nhà và 2.474 căn thiếu về thủ tục, hồ sơ...
Sở Xây dựng yêu cầu Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội báo cáo cụ thể từng trường hợp tranh chấp, khiếu kiện, đòi sở hữu nhà để giao Thanh tra Sở thực hiện theo Luật Khiếu nại. Cũng trong tháng 4 này, Công ty phải bàn giao hồ sơ 3.576 căn nhà cấp 4 cho UBND các quận, huyện, thị xã cấp giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật về đất đai.
Theo đề xuất của Sở Xây dựng Hà Nội, sau ngày 30/12, nếu các cơ quan tự quản của Trung ương và Hà Nội không thực hiện bàn giao nhà đất, Sở sẽ không tiếp nhận nhà do các cơ quan này chuyển giao. Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ bán nhà, Sở đề nghị Bộ Xây dựng tháo gỡ một số vướng mắc về thời điểm và thẩm quyền xác nhận việc bố trí, phân phối nhà ở cho cán bộ công nhân viên của các cơ quan diện tự quản trước đây (trước ngày 27/11/1992) làm căn cứ để tính tiền bán nhà; hướng dẫn về hệ số nhà ở chung cư có tầng hầm, tầng lửng, thang máy và hệ số K phân lớp khi tính tiền sử dụng đất, việc áp dụng chế độ miễn giảm tiền sử dụng đất.