Dự thảo Quy hoạch sử dụng đất 2021 - 2030: Khu công nghiệp lấp đầy trên 60% được ưu tiên mở rộng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự thảo Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 vừa được Bộ Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT) xây dựng. Dự kiến đến năm 2030, cả nước sẽ tăng thêm 115 nghìn ha đất khu công nghiệp (KCN) so với năm 2020, ưu tiên cho phép các địa phương mở rộng các KCN khi tỷ lệ lấp đầy đạt trên 60%.
Dự kiến tổng diện tích đất khu công nghiệp đến năm 2030 của cả nước là 205,8 nghìn ha, tăng 115 nghìn ha so với 2020. Ảnh: Lê Tiên
Dự kiến tổng diện tích đất khu công nghiệp đến năm 2030 của cả nước là 205,8 nghìn ha, tăng 115 nghìn ha so với 2020. Ảnh: Lê Tiên

Theo Dự thảo, căn cứ kết quả rà soát bổ sung các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn cả nước đến năm 2030; tình hình sử dụng đất công nghiệp của từng địa phương thời kỳ 2011 - 2020; kết quả thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong những năm qua, phương án quy hoạch đất KCN đến năm 2030 của cả nước là 205,8 nghìn ha (trong đó, khoảng 60% là đất trực tiếp phục vụ sản xuất công nghiệp, 40% dành cho xây dựng hạ tầng trong KCN), tăng 115 nghìn ha so với năm 2020.

Diện tích này sẽ được bố trí để xây dựng 558 KCN (kể cả 95 KCN nằm trong các khu kinh tế ven biển và các khu kinh tế cửa khẩu). Diện tích đất KCN tăng lấy từ đất trồng lúa 46,07 nghìn ha; từ đất trồng cây hàng năm, lâu năm 64,36 nghìn ha…

Về không gian, quy hoạch đất KCN bố trí tập trung tại 2 vùng (phía Bắc của vùng Đồng bằng sông Hồng và trục Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Long An), tập trung tại Long An, TP.HCM, Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên. Việc bố trí đất căn cứ vào xu hướng thu hút vốn FDI.

Theo cơ quan soạn thảo Dự thảo Quy hoạch, trong thời kỳ 2021 - 2030, việc phát triển KCN trên địa bàn cả nước được xem là giải pháp quan trọng thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, công nghiệp hóa đất nước theo hướng hiện đại, hài hòa giữa các vùng miền, ngành, nghề; đảm bảo sự phát triển bền vững. Hình thành hệ thống KCN nòng cốt với vai trò dẫn dắt sự phát triển các ngành công nghiệp quốc gia. Có quỹ đất dự trữ để phát triển và có điều kiện liên kết thành cụm KCN. Có khả năng thu hút vốn đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước…

Theo Dự thảo, đất KCN được quy hoạch đến năm 2030 phân bổ theo các vùng như sau: vùng trung du và miền núi phía Bắc chiếm 7,37% diện tích đất KCN của cả nước; vùng Đồng bằng sông Hồng chiếm 25,37%; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung chiếm 23,29%; vùng Tây Nguyên chiếm 1,81%; vùng Đông Nam Bộ chiếm 28,67%; vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 13,48%.

Bộ TN&MT cho biết, sau khi được Quốc hội quyết định, trong quá trình thực hiện, Chính phủ sẽ chủ động điều tiết, phân bổ chỉ tiêu cho các địa phương với các điều kiện và tiêu chí cụ thể.

Trong quá trình lấy ý kiến về Dự thảo Quy hoạch, có ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ hơn nhu cầu và tính khả thi của việc tăng chỉ tiêu đất KCN. Về ý kiến này, Bộ TN&MT cho biết, theo nhu cầu đề xuất của địa phương đến năm 2030, đất KCN là 340 nghìn ha, tăng gấp 12 lần so với kết quả thực hiện thời kỳ 2011 - 2020. Việc tính toán, dự báo diện tích đất KCN đến năm 2030 trên cơ sở mối quan hệ đất đai và giá trị gia tăng GRDP công nghiệp; nhu cầu của ngành, địa phương và tỷ lệ lấp đầy các KCN. Đồng thời căn cứ chủ trương chấp thuận đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, đề xuất diện tích đất KCN đến năm 2030 là 205,79 nghìn ha, tăng 114,96 nghìn ha so với năm 2020 (điều chỉnh giảm 79,21 nghìn ha so với đề xuất của địa phương). Ngoài ra, việc quy hoạch, bố trí diện tích quỹ đất KCN của cả nước như trên là tính tới lâu dài, tránh tốn kém kinh phí trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư.

Chuyên đề