Du lịch Việt Nam có thể phục hồi nhanh sau đại dịch Covid-19

(BĐT) - Sự lây lan nhanh chóng của dịch Covid-19 đã gây ra những thiệt hại nặng nề cho ngành du lịch. Tuy nhiên, ngành này được kỳ vọng sẽ sớm hồi phục khi đại dịch được kiểm soát hoàn toàn.

 

Thị trường du lịch dự kiến có thể phục hồi hoàn toàn trong khoảng 6 tháng sau khi có những công bố chính thức về việc kiểm soát hoàn toàn đại dịch
Thị trường du lịch dự kiến có thể phục hồi hoàn toàn trong khoảng 6 tháng sau khi có những công bố chính thức về việc kiểm soát hoàn toàn đại dịch
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương cho biết, đây là lần đầu tiên lượng du khách quốc tế trên toàn cầu sụt giảm sau chuỗi 10 năm tăng trưởng liên tiếp.
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Du lịch Việt Nam, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2 giảm 37,7% so với tháng trước, giảm 21,8% so với cùng kỳ năm 2019 và dự kiến sẽ giảm sâu hơn trong những tháng tới.
Trên thực tế, nhu cầu du lịch trong nước phụ thuộc lớn vào khả năng đối phó với dịch bệnh của Chính phủ. Nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, khách du lịch nội địa dự kiến sẽ là thị trường đầu tiên phục hồi trở lại.

Theo STR - đơn vị cung cấp dữ liệu về tình hình hoạt động kinh doanh khách sạn trên toàn cầu, trong tháng 2 vừa qua, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã ghi nhận mức sụt giảm về công suất phòng khách sạn, trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia ghi nhận mức giảm đáng kể nhất.

Ông Mauro Gasparotti cho hay, công suất phòng khách sạn tại Việt Nam đã giảm 26% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm trước. Các thành phố trung tâm như TP.HCM và Hà Nội, mặc dù có sự sụt giảm, nhưng vẫn duy trì được mức công suất tương đối tốt, lần lượt là 48% (tại TP.HCM) và thậm chí ở mức cao hơn 60% (tại Hà Nội).
Tuy nhiên, lệnh cấm nhập cảnh đối với khách du lịch quốc tế cùng với mối lo ngại lây lan dịch bệnh của khách nội địa đã khiến cho công suất phòng đạt được trong ba tuần đầu tiên của tháng 3 giảm xuống đáng kể, xuống còn một chữ số tại phần lớn các điểm du lịch.

Trong tháng 3 này, khách sạn tại các thành phố lớn đã và đang nhận được một lượng lớn yêu cầu hủy phòng, dẫn tới việc sụt giảm công suất xuống chỉ còn một chữ số tại TP.HCM. Công suất phòng tại Hà Nội dự kiến cao hơn một chút nhờ vào các hợp đồng từ các doanh nghiệp lớn như Samsung với nguồn khách lưu trú ổn định.

So với khách sạn, các dự án căn hộ dịch vụ đạt được mức công suất cao hơn nhờ vào nhóm khách hàng lưu trú dài hạn. 
Cho đến nay, Việt Nam đã và đang làm rất tốt việc kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, nhờ vào những hành động kịp thời của Chính phủ.
Nhận xét về khả năng phục hồi sau đại dịch, ông Mauro Gasparotti chia sẻ, thông thường, sau mỗi cuộc khủng hoảng, ngành du lịch luôn có sự phục hồi mạnh mẽ và sự phục hồi này thường diễn ra trong khoảng 6 tháng.
Theo dữ liệu của STR, sau khi đại dịch SARS xảy ra vào năm 2003, công suất phòng khách sạn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã phục hồi hoàn toàn trong vòng 2 đến 3 tháng sau khi WHO đưa ra thông báo đại dịch đã được kiểm soát.
Do đại dịch Covid-19 có quy mô lớn hơn và có tác động đáng kể hơn đến nền kinh tế thế giới, khách du lịch nội địa dự kiến sẽ trở lại trong khoảng thời gian ngắn, còn khách quốc tế sẽ phục hồi chậm nhưng ổn định.
Đối với thị trường khách quốc tế, nhóm khách đầu tiên dự kiến sẽ quay trở lại là khách công vụ, đặc biệt là ở các thành phố lớn, tiếp theo là khách du lịch tự do và khách du lịch kết hợp tham dự hội nghị, sau cùng là khách du lịch theo nhóm.
Thị trường du lịch dự kiến có thể phục hồi hoàn toàn trong khoảng 6 tháng sau khi có những công bố chính thức về việc kiểm soát hoàn toàn đại dịch.
Ông Mauro Gasparotti cho rằng, ngành du lịch Việt Nam hiện đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh và điều này dự kiến sẽ còn tiếp tục kéo dài tới hết năm 2020. Tuy nhiên, khi nhìn nhận sự việc theo hướng tích cực, các sự kiện trước đây đã chứng minh rằng du lịch là ngành công nghiệp có khả năng phục hồi nhanh hơn so với những ngành nghề khác.

Ở một góc nhìn khác, đầu tư vào các dự án thương mại và du lịch, đặc biệt là khách sạn và khu nghỉ dưỡng thường mang tầm nhìn dài hạn. Do vậy, có thể nói những khó khăn hay biến động thị trường trong ngắn hạn chính là những thử thách giúp sàng lọc, tìm kiếm nhà đầu tư thật sự có năng lực quản trị và tài chính vững vàng cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam, vốn được đánh giá có nhiều tiềm năng và thu hút được sự quan tâm cả trong và ngoài nước.

Chuyên đề