Dự kiến hơn 2 tỷ USD ưu tiên đầu tư cho hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 - đồ án quy hoạch đầu tiên trong 6 quy hoạch vùng của cả nước vừa được Hội đồng Điều phối vùng ĐBSCL giai đoạn 2021 - 2025 đưa ra lấy ý kiến hoàn thiện.

Theo đánh giá của Chính phủ, mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực nhưng tốc độ phát triển của vùng ĐBSCL chưa tương xứng, chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế của vùng. Do đó, quy hoạch vùng ĐBSCL là công cụ quan trọng hàng đầu để định hướng đầu tư phát triển nhanh và bền vững.

Quy hoạch vùng ĐBSCL đề cập đến nhiều lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, bao gồm vùng sản xuất, hạ tầng giao thông, hệ thống ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống xâm nhập mặn, hệ thống tưới tiêu… Vì vậy, trong giai đoạn này, Chính phủ dự kiến ưu tiên khoản vay 2 tỷ USD, đồng thời bố trí thêm nguồn vốn cho một số công trình trong Vùng, đặc biệt là một số tuyến giao thông cho khu vực ĐBSCL.

Hiện nay, 4 quy hoạch quốc gia của ngành giao thông vận tải (gồm quy hoạch đường bộ, đường sắt, cảng biển, đường thủy) đã được ban hành, còn quy hoạch hàng không đang trong quá trình phê duyệt. Do đó, sắp tới cần tiếp tục cập nhật các quy hoạch ngành quốc gia này vào quy hoạch vùng ĐBSCL.

Sau khi có quy hoạch, các địa phương chủ động lên kế hoạch, phân kỳ đầu tư, huy động nguồn lực từ doanh nghiệp tham gia đầu tư các dự án. Các địa phương vùng ĐBSCL cần tập trung huy động nguồn vốn xã hội hóa cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Song song đó, cần chú trọng phát triển không gian biển gắn với phát triển kinh tế biển, trước mắt là hệ thống hạ tầng đường ven biển, cảng biển, hệ thống logistics nhằm khai thác tiềm năng các vùng đất ven biển khi 13 tỉnh ĐBSCL có tới 7 tỉnh ven biển...

Chuyên đề