Những lưu ý khi xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ

(BĐT) - Trong bối cảnh mối quan hệ kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp, nhiều tranh chấp thương mại và các phương án phòng vệ thương mại đang được các nền kinh tế tận dụng để bảo vệ sản xuất trong nước, các doanh nghiệp xuất khẩu cần phải nắm vững các thông tin về thị trường xuất khẩu để có thể đạt được kết quả tốt nhất trong hoạt động kinh doanh của mình.
 
bà Amanda Rasmussen - Chủ tịch AmCham tại TP.HCM, Việt Nam đưa ra nhiều lưu ý đối với nhà nhập khẩu hàng hóa sang Mỹ. Ảnh: Bích Thủy
bà Amanda Rasmussen - Chủ tịch AmCham tại TP.HCM, Việt Nam đưa ra nhiều lưu ý đối với nhà nhập khẩu hàng hóa sang Mỹ. Ảnh: Bích Thủy

Tại Hội thảo Xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ (Mỹ) và những điểm cần lưu ý do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng phối hợp với Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) tổ chức mới đây, bà Amanda Rasmussen - Chủ tịch AmCham tại TP.HCM cho biết, trong quý I/2019, thương mại Việt Nam và Hoa Kỳ (Mỹ) đạt 18,44 tỷ USD, tăng 36,51% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, xuất khẩu tăng 16,9%, trong khi nhập khẩu tăng 40,15%. 

Cơ hội không chỉ dừng ở đó, bởi triển vọng xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Mỹ vẫn tiếp tục được đánh giá cao trong thời gian tới. Tuy nhiên, Mỹ là một thị trường khó tính với những tiêu chuẩn kỹ thuật cao, để xuất khẩu thành công một lô hàng không phải là dễ.

Đa số các thất bại của hợp đồng ngoại thương, theo ông Phan Trọng Đạt, Phó Tổng thư ký Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) chủ yếu là do yếu tố chủ quan. Đó là do sự thiếu hiểu biết về chính sách, phong tục tập quán, thiếu thông tin tin tức đối ngoại; không thiết lập được mối quan hệ tốt với NPP của Mỹ, vận chuyển, ngân hàng, hải quan, luật sư; các quy định hải quan; chất lượng sản phẩm không kiểm soát; chi phí; dự đoán thị trường kém...

Đặc biệt, một chuyên gia tư vấn chuyên về xuất nhập khẩu sang thị trường Mỹ cho biết, không phải sản phẩm nào cũng có thể xuất khẩu được sang Mỹ. Một số sản phẩm khó xuất khẩu sang Mỹ là dược phẩm, thức uống có cồn, hải sản, đồ chơi, động vật sống, thực phẩm làm sẵn, sản phẩm điện... Riêng thịt, trứng và sản phẩm gia cầm hiện chưa được Mỹ cấp phép nhập khẩu. Đây là điều mà doanh nghiệp Việt Nam cần đặc biệt lưu ý.

Ông Erik Frankel – CEO của Vietsway cho biết, để lên kế hoạch xuất khẩu sang Mỹ, trước khi chuyển hàng, nhà xuất khẩu phải kiểm tra những hạn chế trong việc nhập khẩu của Mỹ, ước tính phí hải quan, cung cấp chứng từ theo quy định khi đặt vận chuyển hàng và cung cấp đủ chứng từ theo yêu cầu của các cơ quan có liên quan. Nhà nhập khẩu  cần phải nắm rõ được sẽ phải làm việc với cơ quan nào chịu trách nhiệm về các quy định nhập khẩu hàng hóa vào Mỹ. Trong quá trình chuyển hàng, doanh nghiệp cần có giấy đảm bảo nợ thuế hải quan, trung thực khai báo hải quan, kiểm tra đội chính xác của chứng từ và nộp phí hải quan đúng quy định.

Bên cạnh việc đảm bảo chất lượng hàng hóa, các DN cần có các biện pháp pháp lý để đối mặt với tranh chấp. Ông Phan Trọng Đạt cho biết, trong 8 tháng đã có 197 vụ giải quyết tranh chấp tại VIAC, tăng hơn nhiều so với cả năm 2018 (180 vụ). Tuy nhiên, chưa có vụ tranh chấp nào với doanh nghiệp Mỹ. Mặc dù vậy, doanh nghiệp không nên quá lạc quan. Bởi những tác động thất thường từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, hay các hiện tượng doanh nghiệp nước ngoài đội lốt và gian lận hàng hóa dịch vụ của Việt Nam và tốc độ xuất khẩu sang Mỹ gia tăng chóng mặt... có thể xảy ra nhiều rủi ro.

Trong giai đoạn 1993 – 2018, Trung Quốc có 151 vụ tranh chấp được giải quyết tại VIAC; Singapore có 142 vụ, Hàn Quốc có 91 vụ...  Số vụ tranh chấp có các bên mang quốc tịch Hoa kỳ là 50 vụ, chiếm 66% là xuất nhập khẩu hàng hóa. 2/3 số vụ tranh chấp là nguyên đơn ở phía Việt Nam kiện phía Mỹ.

Một khi xảy ra tranh chấp hợp đồng ngoại thương, doanh nghiệp có thể lựa chọn một trong nhiều phương thức giải quyết tranh chấp như hòa giải, trọng tài, tòa án.

Trong đó, theo ông Nguyễn Trọng Đạt, phương thức giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài bằng trọng tài ngày càng phát triển, trở thành một trong nhưng phương thức tối ưu nhất.

Theo khảo sát về trọng tài quốc tế năm 2018 của Đại học Queen Mary và White & Cases, có 48% doanh nghiệp lựa chọn tranh tụng quốc tế cùng các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (ADR). 49% chọn trọng tài quốc tế cùng các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (ADR).

Để tránh xảy ra tranh chấp, ngay trong giai đoạn tìm hiểu đối tác thì doanh nghiệp cần phải lựa chọn đúng đối tác, có tinh thần cảnh giác và tham vấn ý kiến Thương vụ, luật sư. Trong giai đoạn ký hợp đồng, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ pháp luật về hợp đồng, bao gồm cả hình thức hợp đồng; soạn thảo hợp đồng với các điều khoản rõ ràng.

Chuyên đề