Nhiều doanh nghiệp lớn hoãn họp cổ đông

17 trong số 30 doanh nghiệp vốn hoá lớn trên HoSE đã huỷ hoặc gia hạn thời gian tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên đến trước 30/6.
Nhiều doanh nghiệp lớn hoãn họp cổ đông

Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (EIB) và Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (VJC) là hai cái tên mới nhất trong danh sách gia hạn tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên. Ban lãnh đạo EIB quyết định hoãn phiên họp ngày 22/4 đến khi dịch bệnh được kiểm soát, trong khi VJC chưa ấn định ngày.

Nhiều doanh nghiệp trước đó cũng chọn phương án tương tự như HPG, MSN, MWG, PLX, PNJ, VNM...

Trong số các doanh nghiệp vốn hoá lớn, chỉ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BID) và Công ty cổ phần Thành Thành Công – Biên Hoà (SBT) tổ chức thành công đại hội. Tuy nhiên, SBT là trường hợp cá biệt bởi niên độ tài chính của doanh nghiệp này kết thúc vào 30/6 nên cuộc họp diễn ra vào tháng 10 năm ngoái.

Hiện có 8 doanh nghiệp vẫn giữ nguyên kế hoạch tổ chức phiên họp thường niên giữa mùa dịch. Gần nhất, Công ty cổ phần FPT dự kiến tổ chức họp vào 8/4 tại khu công nghệ cao Hoà Lạc, Hà Nội. Tuy nhiên, công ty khuyến nghị cổ đông theo dõi trực tuyến và bỏ phiếu từ xa.

Dự kiến tổ chức đầu tuần sau, Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS) cho biết sẽ phun khử khuẩn hội trường, không tổ chức tiệc trà và yêu cầu cổ đông; khách mời phải thực hiện các thủ tục bắt buộc như khai báo y tế, đo nhiệt độ, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay... trước khi dự họp.

Cuối tháng 3, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) có thông báo hướng dẫn tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên sau khi nhận được nhiều phản ánh việc tổ chức họp gặp khó khăn vì yêu cầu kiểm soát dịch bệnh.

Theo đó, nếu công ty không tổ chức trong thời hạn 4 tháng từ ngày kết thúc năm tài chính thì phải có văn bản đề nghị gia hạn với Sở Kế hoạch đầu tư. Nếu dự định tổ chức họp trực tuyến, công ty phải rà soát điều lệ và quy chế nội bộ để đảm bảo đúng luật.

SSC đề nghị Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) hỗ trợ công ty đại chúng chốt danh sách cổ đông phục vụ phiên họp thường niên. Trước đó, SSC cũng  đề xuất Bộ Tài chính trình Chính phủ triển khai giải pháp họp đại hội đồng cổ đông trực tuyến, bỏ phiếu qua hệ thống bỏ phiếu điện tử. Hệ thống này được VSD áp dụng từ đầu năm 2017, mục đích ban đầu giúp các cổ đông đảm bảo quyền và lợi ích tại phiên họp thường niên.

Chuyên đề