Nền móng vững chắc để BSR phát triển bền vững

(BĐT) - Trước tình hình giá dầu có sự biến động mạnh nhưng Công ty TNHH MTV Lọc - Hóa dầu Bình Sơn (BSR), đơn vị tiếp nhận, quản lý, vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (NMLD) vẫn giữ vững được kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh luôn đạt hiệu quả cao. 
Robot tự động bốc xếp hạt nhựa Polypropylen - Công nghiệp 4.0 tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất
Robot tự động bốc xếp hạt nhựa Polypropylen - Công nghiệp 4.0 tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

Vậy, đâu là cơ sở để BSR đạt được kết quả sản xuất kinh doanh đầy khả quan và liệu Công ty có thể duy trì và phát triển nhanh, bền vững hơn trong tương lai không?

Kết quả kinh doanh khả quan

Thông tin từ BSR cho hay, sau hơn 7 năm đi vào hoạt động, Nhà máy đã đạt tổng doanh thu trên 36 tỷ USD, lợi nhuận trên 13 nghìn tỷ đồng (tính đến hết quý I/2017) và nộp ngân sách nhà nước trên 7 tỷ USD hơn gấp đôi tổng mức đầu tư Nhà máy (3 tỷ USD).

Hàng năm, BSR đóng góp trên 90% GDP cho tỉnh Quảng Ngãi, tạo việc làm ổn định, thu nhập hấp dẫn cho hơn 1.500 lao động và hàng nghìn doanh nghiệp, đối tác cung cấp dịch vụ, vật tư, hóa phẩm xúc tác... cho Nhà máy. Ngoài ra, BSR cũng được biết đến là một trong những đơn vị có trách nhiệm với cộng đồng, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, với số tiền thực hiện các chương trình an sinh xã hội lên tới 250 tỷ đồng (từ năm 2010 đến nay).

Phân tích tài chính giai đoạn 2015 - 2016 cho thấy, việc vận hành Nhà máy tốt cùng với thị trường tiêu thụ ngày càng được mở rộng giúp sản lượng tiêu thụ của BSR đều vượt so với kế hoạch đặt ra và tăng so với năm trước.

Có thể nói, với sản lượng sản xuất và tiêu thụ vượt kế hoạch, cùng với các quyết định quản lý phù hợp của Ban lãnh đạo BSR đã làm cho kết quả kinh doanh của BSR trong giai đoạn 2015 - 2016 thực sự nổi bật. Năm 2015, BSR ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế tương ứng là 95.063,6 tỷ đồng và 6.124,6 tỷ đồng (tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu là 21%).

Năm 2016, các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận sau thuế và nộp ngân sách nhà nước thực tế cũng đều vượt so với kế hoạch. Cụ thể, doanh thu thực tế là 73.598,25 tỷ đồng, vượt 4%, chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế đạt 4.492 tỷ đồng, đạt gần gấp 5 lần so với kế hoạch. Đáng lưu ý, giá dầu thô thế giới giảm mạnh, có lúc xuống dưới 30 USD/thùng đã làm cho doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Công ty sụt giảm so với năm 2015, nhưng tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) vẫn đạt được khá cao với mức 14,2%.

Phát huy kết quả đã đạt được, năm 2017, BSR đặt kế hoạch thực hiện vượt các chỉ tiêu từ 15 - 20%. Kết quả sản xuất kinh doanh quý I/2017 của doanh nghiệp đang cho thấy những dấu hiệu hết sức khả quan: sản lượng sản xuất và tiêu thụ đạt 1,7 triệu tấn sản phẩm các loại, doanh thu trên 21 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước trên 2,5 nghìn tỷ đồng. 

Nền móng vững chắc

Để triển khai thực hiện công tác cổ phần hóa BSR theo kế hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, ngày 31/5/2017 Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký Quyết định số 1938/QĐ-BCT về việc xác định giá trị Công ty TNHH MTV Lọc - Hóa dầu Bình Sơn (BSR) để cổ phần hóa là 3,2 tỷ USD.
Để đạt được những thành tích đáng ghi nhận nêu trên, trước hết là nhờ BSR đã đầu tư một hệ thống tài sản cố định hiện đại. Hệ thống tài sản cố định (máy móc thiết bị NMLD Dung Quất) được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế và đều được nhập khẩu từ các nước G7, rất hiện đại và có độ tin cậy vận hành cao. Hiện BSR đang tiếp tục triển khai công tác đầu tư nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2021. Khi đó, công suất Nhà máy tăng thêm 30%, đạt mức 8,5 triệu tấn/năm và đáp ứng được 50 - 60% nhu cầu trong nước.

Thứ hai, BSR đã chiếm lĩnh được thị phần xăng dầu tương đối lớn ở trong nước (khoảng 30%). Công ty đang hoạt động kinh doanh theo cơ chế thị trường, cạnh tranh sòng phẳng với hàng hóa (xăng dầu, LPG…) nhập khẩu. BSR được tự tính giá thành sản phẩm theo hướng thu hút các đầu mối tiêu thụ trong nước. Do vậy, thị phần trong nước của BSR chắc chắn sẽ tăng thêm. Đặc biệt, với việc giá thành xăng dầu nước ta đang thuộc hàng thấp trong khu vực thì BSR có thể mở rộng thị trường bằng việc thực hiện xuất khẩu.

Thứ ba, BSR luôn chú trọng nghiên cứu và phát triển (R&D) các sản phẩm mới, có chất lượng cao, thân thiện với môi trường, với mục đích đa dạng hóa danh mục sản phẩm đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng khách hàng. Đồng thời, sau khi nâng cấp, mở rộng nhà máy, các sản phẩm xăng dầu của BSR sẽ hoàn toàn đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng EURO 5.

Bên cạnh đó, BSR đã xây dựng hệ thống quản lý tích hợp chất lượng, an toàn sức khỏe nghề nghiệp và môi trường trên phạm vi toàn công ty để quản lý đồng bộ theo các tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001:2015, ISO 14001:2015, OHSAS 18001 và đang triển khai xây dựng hệ thống quản lý tiết kiệm năng lượng ISO 50001:2011.

Hiện nay, công suất của NMLD Dung Quất mới chỉ đáp ứng được trên 30% nhu cầu trong nước, phần còn lại chủ yếu phải nhập khẩu từ nước ngoài. Với nhu cầu lớn của thị trường về dòng sản phẩm của BSR, khả năng mở rộng được thị trường tiêu thụ, Công ty đang tận dụng được mức độ tác động tích cực của đòn bẩy kinh doanh. Điều này sẽ làm cho lợi nhuận trước lãi vay và thuế của BSR gia tăng mạnh. Ngoài ra, có thể thấy các quyết định đầu tư của BSR luôn gắn liền với việc bảo vệ môi trường, một trong những mục tiêu quan trọng của nước ta trong tình hình hiện nay.

Sản lượng sản xuất và tiêu thụ một số mặt hàng (tấn)

Một số chỉ tiêu thực tế so với kế hoạch năm 2016

Chuyên đề