Hải quan siết nguồn gốc hàng nhập khẩu sau vụ Khaisilk

Ngành hải quan siết việc kiểm tra xuất xứ hàng nhập khẩu, kể cả sản phẩm được các công ty Việt đặt nước ngoài sản xuất rồi nhập về nước. 

Tổng cục Hải quan vừa có công văn yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm tra xuất xứ, nhãn hàng hóa đối với hàng hóa nhập khẩu, bao gồm hàng hóa nhập khẩu do các công ty Việt Nam đặt nước ngoài sản xuất sau đó nhập khẩu sản phẩm về nước. 

Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục chủ động chuyển luồng để kiểm tra thực tế hàng hóa đối với các trường hợp có nghi vấn liên quan đến khai báo xuất xứ, các thông tin thể hiện trên nhãn hàng hóa. Cụ thể như tình trạng không phù hợp thông tin về hàng hóa khai báo trên C/O và thông tin thể hiện trên nhãn hàng hóa về tên hàng, tên và địa chỉ cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm về hàng hóa, xuất xứ, mã vạch thể hiện trên nhãn hàng hóa nhập khẩu so với chứng từ thuộc bộ hồ sơ hải quan.

Khi phát hiện có vi phạm về xuất xứ, nhãn hàng hóa, Cục Hải quan tỉnh, thành phố bảo có báo cáo kèm hồ sơ liên quan về Cục Giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan.

Liên quan đến nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, gần đây sự việc hệ thống Khaisilk bán hàng Trung Quốc nhưng gắn mác Việt Nam đã gây chú ý lớn. Ngành thuế, quản lý thị trường, hải quan... sau đó đều nhận được chỉ đạo phải vào cuộc để làm rõ các nghĩa vụ của doanh nghiệp trong kinh doanh, chất lượng sản phẩm. Gần đây nhất, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Khoa học & Công nghệ và các cơ quan liên quan kiểm tra, làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật của Tập đoàn Khaisilk trong kinh doanh các sản phẩm lụa tơ tằm, báo cáo Thủ tướng trước ngày 15/12 tới. 

Chuyên đề