Doanh nghiệp đau đầu vì tăng lương

(BĐT) - Trước khi Hội đồng Tiền lương quốc gia báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định ban hành Nghị định tăng lương tối thiểu vùng năm 2018, đang có không ít ý kiến băn khoăn về áp lực đối với doanh nghiệp.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Lương tăng, nhiều chi phí tăng theo

Trước khi con số 6,5% được “chốt”, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng một số các hiệp hội như dệt may, thuỷ sản… đã đề xuất không tăng lương tối thiểu năm 2018. Nhiều doanh nghiệp cũng chia sẻ, họ gặp khó khăn khi nhiều năm trở lại đây, lương tối thiểu liên tục tăng với mức khá cao. Không chỉ đối với các doanh nghiệp trong nước, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng đã phản ánh về vấn đề này.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp (VBF) thường niên, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cũng đã kiến nghị xem xét lại bởi tốc độ gia tăng hàng năm về mức lương tối thiểu tại Việt Nam cao hơn lạm phát và cao hơn các quốc gia khác trong khu vực.

Số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, lương tối thiểu của Việt Nam có tốc độ tăng nhanh nhất trong khu vực. Cụ thể, Việt Nam có mức tăng gần 14%, Trung Quốc tăng 10%, còn Indonesia chỉ tăng 7%. WB từng quan ngại, nếu lương tối thiểu đặc biệt cao, nếu được thực hiện, sẽ có khả năng cắt giảm việc làm chính thức, giảm thu hút FDI.

Trên thực tế, lương tối thiểu tăng sẽ không ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động nếu họ đã nhận mức lương thực tế cao hơn lương tối thiểu, người lao động sẽ chỉ có một số lợi ích như tăng bảo hiểm khi về hưu… Trong khi đó, doanh nghiệp sẽ chịu nhiều gánh nặng về chi phí, ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, TS. Bùi Trinh cho biết, việc tăng lương không gắn liền với tăng năng suất lao động sẽ khiến thặng dư của các doanh nghiệp giảm đi. Khi thặng dư của doanh nghiệp ngày một nhỏ lại, việc đầu tư mở rộng sản xuất gặp khó khăn do không đủ tích lũy. Tăng lương không dựa vào tăng năng suất cũng sẽ khiến nguồn lực của nền kinh tế nhỏ lại ở những chu kỳ sản xuất sau.

Theo ông Bùi Trinh, việc quyết định tăng lương tối thiểu vùng không nên làm đồng loạt đại trà mà cần tính toán kỹ lưỡng cho các nhóm ngành khác nhau, thậm chí nên nghiên cứu cho các nhóm ngành trong một vùng. “Khi nhận thức của xã hội được nâng lên, tốt nhất hãy để doanh nghiệp tự cân nhắc, quyết định việc tăng lương dựa trên hiệu quả sản xuất và nguồn nhân lực của họ”, TS. Bùi Trinh kiến nghị.

Nợ bảo hiểm xã hội có xu hướng tăng

Việc tăng lương tối thiểu là chính đáng và cần thiết. Tuy nhiên, cũng cần tính toán mức tăng phù hợp và trong tương quan đối với các loại chi phí khác để hài hoà lợi ích của cả doanh nghiệp và người lao động. 
Cũng theo TS. Bùi Trinh, việc tăng lương kèm theo đó là các loại phí bảo hiểm, công đoàn tăng theo. Trong khi đó, chi phí cho bảo hiểm xã hội, công đoàn ở Việt Nam đang ở mức quá cao. Theo báo cáo được đưa ra tại phiên họp Chính phủ thường kỳ mới đây, hiện mức đóng bảo hiểm xã hội tại Việt Nam đang cao nhất khu vực ASEAN, khi lên tới 32,5% mức lương tháng (doanh nghiệp đóng 22%, người lao động đóng 10,5%). Đó là chưa kể 3% phí công đoàn.

Cùng khu vực, tại Malaysia, mức đóng bảo hiểm xã hội chiếm 13% lương tháng, Philippines là 10%, Indonesia 8%... Ngay tại Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu cần nghiên cứu, trao đổi lại về vấn đề này.

Như vậy, tới đây nếu phương án lương tối thiểu tăng 6,5% được chấp thuận như đề xuất của Hội đồng Tiền lương quốc gia đồng nghĩa với việc số chi phí đóng bảo hiểm xã hội, vốn đã quá cao, sẽ theo đó “nhảy” lên một cách đáng kể. Điều này không khỏi khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng, đặc biệt đối với những cơ sở có nhiều lao động.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cho biết, bên cạnh những doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội vì lối làm ăn không đàng hoàng, chưa quan tâm đến quyền lợi của người lao động thì một phần nhỏ doanh nghiệp vì khó khăn nên trốn đóng bảo hiểm. Điều này cũng thể hiện phần nào qua số liệu của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, khi có khoảng 1.400 tỷ đồng nợ bảo hiểm xã hội từ các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc chủ bỏ trốn.

Bên cạnh đó, tình hình nợ đọng bảo hiểm xã hội những tháng gần đây có xu hướng gia tăng. Cụ thể, tính đến cuối năm 2015, số nợ là gần 10.000 tỷ đồng, tương đương với khoảng 4,88% của số phải thu. Đến cuối năm 2016, số nợ có giảm, khoảng 7.500 tỷ đồng, bằng khoảng 3,3% số phải thu. Quý I/2017, nợ bảo hiểm xã hội tăng thêm, gần bằng 4,5% số phải thu, với gần 14.000 tỷ đồng, tăng hơn so với 2016.

Việc tăng lương tối thiểu là chính đáng và cần thiết. Tuy nhiên, cũng cần tính toán mức tăng phù hợp và trong tương quan đối với các loại chi phí khác để hài hoà lợi ích của cả doanh nghiệp và người lao động. Có như vậy, việc tăng lương mới bảo đảm quyền lợi thực chất cho người lao động và sự phát triển của doanh nghiệp.

Chuyên đề