Đạm Phú Mỹ báo lãi quý I hơn 219 tỷ đồng, thực hiện gần 50% kế hoạch năm

Doanh thu thuần trong kỳ ghi nhận 2.084 tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ 5%.

Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí-CTCP (HOSE: DPM) vừa công bố báo cáo tài chính quý I với lợi nhuận suy giảm so với cùng kỳ nhưng vẫn đạt kế hoạch rất cao.

Cụ thể, doanh thu thuần trong kỳ ghi nhận 2.084 tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ 5%. Tuy nhiên giá vốn hàng bán tăng cao khiến lợi nhuận gộp của công ty giảm 21% còn 465 tỷ đồng.

Trong kỳ, công ty tiết kiệm được nhiều khoản chi phí như chi phí bán hàng giảm 50 tỷ và chi phí QLDN giảm hơn 30 tỷ giúp cho lợi nhuận trước thuế ghi nhận hơn 219 tỷ đồng, tương đương giảm 20,6%.

Tuy nhiên, so với kế hoạch doanh thu 8.577 tỷ và lợi nhuận trước thuế 442 tỷ cho năm 2018; Đạm Phú Mỹ đã thực hiện đến 49,6% kế hoạch lợi nhuận năm.

Về sản lượng thực hiện, DPM cho biết sản lượng Đạm Phú Mỹ đạt 220.000 tấn, vượt 12% kế hoạch quý; sản xuất NH3 (bán thương mại) ở mức 15.800 tấn, vượt 15% kế hoạch quý; kinh doanh Đạm Phú Mỹ đạt mức 203.000 tấn, vượt 2% kế hoạch quý; kinh doanh phân bón khác là 71.000 tấn, cũng vượt 21% kế hoạch.

Về dự án NH3/NPK, từ tháng 1/2018, xưởng NH3 (mở rộng) đã cung cấp thương phẩm ra thị trường, có hiệu quả cao vì đúng vào lúc giá thị trường tăng khoảng 30%; còn Nhà máy NPK Phú Mỹ công nghệ hóa học cũng đã ra sản phẩm đầu tiên vào tháng 2/2018 với chất lượng tốt.

Về kế hoạch sản xuất sản lượng năm 2018, PVFCCo đặt mục tiêu sản xuất 800.000 tấn urê, 170.000 tấn NPK và 13.500 tấn UFC85, kinh doanh 820.000 tấn urê, 150.000 tấn NPK và 225.000 tấn phân bón khác, kinh doanh hóa chất là 116.000 tấn (NH3, UFC85, CO2, hóa chất khác).

Vừa qua Đạm Phú Mỹ đã công bố điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài tại Tổng công ty từ tỷ lệ 49% hiện tại lên mức không hạn chế.

Trong khi đó, đại diện PVN chia sẻ, trong đề án tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020 của Tập đoàn Dầu khí đang xây dựng có phương án thoái vốn tại Đạm Phú Mỹ, trong đó có cả khả năng thoái vốn xuống dưới 51% và dưới mức chi phối.

Để thực hiện điều này, DPM đã công bố thông tin rút bớt các ngành nghề kinh doanh là bốc xếp hàng hóa (trừ bốc xếp hàng hóa cảng hàng không), vận chuyển hàng hóa đường bộ, vận tải đường thủy nội địa. Đồng thời điều chỉnh ngành nghề "sản xuất, truyền tải và phân phối điện" thành ngành "sản xuất điện".

Chuyên đề