Cổ phiếu Petrolimex chịu lực bán thái quá

Thông tin về thay đổi công thức tính thuế nhập khẩu khiến thị giá cổ phiếu PLX giảm mạnh, hàng chục nghìn tỷ đồng vốn hóa 'bốc hơi'.
Cổ phiếu Petrolimex bắt đầu đà lao dốc từ giữa năm.
Cổ phiếu Petrolimex bắt đầu đà lao dốc từ giữa năm.

Trong gần 5 tháng, thị giá cổ phiếu PLX của Tập đoàn Xăng dẩu Việt Nam giảm hơn 26%, từ đỉnh 71.800 đồng xuống còn 57.000 đồng trong phiên giao dịch sáng nay. Vốn hóa giảm tương ứng khoảng 27.000 tỷ, cộng thêm việc “đại gia bán lẻ” Vincom Retail vừa lên sàn khiến Petrolimex đánh mất vị trí thứ sáu trên bảng xếp hạng cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán.

Theo phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán TP HCM (HSC), thông tin Bộ Tài chính thay đổi công thức tính thuế nhập khẩu gây bất lợi đối với các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, trong đó có Petrolimex. Đơn cử như trong báo cáo tài chính quý III mới công bố, tỷ suất lợi nhuận gộp của doanh nghiệp đầu ngành xăng dầu chỉ đạt 8,4%, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ban lãnh đạo Petrolimex cho rằng, chính sách điều hành thuế nhập khẩu bình quân trong cấu thành giá cơ sở của Nhà nước đối với một số chu kỳ giá thấp hơn 10% đối với mặt hàng xăng (thuế ưu đãi nhập khẩu từ thị trường Hàn Quốc) tác động không nhỏ đến hiệu quả kinh doanh.

Song song đó, hoạt động kinh doanh xăng dầu và một số ngành hàng liên quan như nhiên liệu bay, nhựa đường… có xu hướng thụt lùi do không hội tụ được các yếu tố thuận lợi như trước đây; lợi nhuận sau thuế của đơn vị liên doanh là Castrol BP Perco giảm mạnh do phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp từ chênh lệch thuế suất ưu đãi các năm trước cũng khiến Petrolimex bị ảnh hưởng tương ứng 25%.

Dù triển vọng năm 2018 và dài hạn rất tích cực, nhưng cổ phiếu PLX đang chịu lực bán thái quá. HSC tiếp tục duy trì đánh giá khả quan, nhưng so với thời điểm cách đây ba tháng thì chính đơn vị này cũng giảm ước tính giá trị cổ phiếu hợp lý từ 68.000 đồng xuống còn 66.800 đồng.

Theo HSC, việc có thành phần kinh tế tư nhân tham gia sẽ khiến cho cơ cấu hoạt động của Petrolimex được tinh giản và mô hình hoạt động có xu hướng tối ưu hóa hơn. Chiến lược của Petrolimex là mở rộng mạng lưới trạm xăng và nâng cao dịch vụ giá trị gia tăng tại mỗi trạm xăng, theo đó doanh thu từ các hoạt động khác ngoài bán xăng có thể sẽ đóng góp 30-50% tổng doanh thu. Ngoài bán bảo hiểm cho phương tiện vận tải, thẻ mua xăng dầu... các trạm xăng Petrolimex còn cho thuê mặt bằng kinh doanh hiệu thuốc, rửa xe.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Petrolimex đạt doanh thu thuần 112.427 tỷ đồng, hoàn thành 78% kế hoạch cả năm. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 3.546 tỷ đồng, trong đó hoạt động kinh doanh xăng đóng góp hơn phân nửa. Phần còn lại kinh doanh ngoài xăng dầu đóng góp hơn 1.732 tỷ đồng.

Tính đến cuối kỳ báo cáo, tổng giá trị tài sản của Petrolimex đạt 60.047 tỷ đồng, tăng gần 6.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Tổng nợ phải trả cũng tăng mức xấp xỉ, lên hơn 36.800 tỷ đồng.

Năm nay, tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 143.208 tỷ đồng, tăng 16% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế dự báo giảm xấp xỉ 26%, xuống còn 4.680 tỷ đồng. Kế hoạch này được xây dựng trên cơ sở dự báo giá dầu thô thế giới ở mức bình quân 55 USD một thùng và sản lượng xăng dầu xuất bán khoảng 11,8 triệu tấn.

Lý giải về việc cắt giảm kế hoạch lợi nhuận sau một năm lãi cao chưa từng có, Petrolimex cho biết nguyên nhân chính xuất phát từ sự cạnh tranh quyết liệt của thị trường khi ngày càng nhiều đầu mối phân phối xăng dầu, cộng thêm một số khách hàng công nghiệp thực hiện chuyển đổi nhiên liệu từ mazut sang sử dụng gas hoặc nhiên liệu thay thế khác để giảm giá thành và đáp ứng yêu cầu về khí thải ra môi trường. Bên cạnh đó, Petrolimex dự báo mức biến động tỷ giá khoảng 3-4% trong năm nay sẽ tác động không nhỏ đến tình hình tài chính của doanh nghiệp.

Chuyên đề