ĐHĐCĐ BIDV: Tín dụng và huy động giảm nhẹ 2 tháng đầu năm, nhiều nhà đầu tư quan tâm đợt bán vốn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày 12/3, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021. Một trong những vấn đề quan trọng đã được thông qua là việc tăng vốn điều lệ thêm 8.304 tỷ đồng và mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận lên tới 44% so với năm 2020.
Quang cảnh cuộc họp
Quang cảnh cuộc họp

Nhiều nhà đầu tư quan tâm mua cổ phần chào bán

Một trong các vấn đề quan trọng là việc tăng vốn đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua. Theo đó, BIDV sẽ thực hiện vốn điều lệ thêm 8.304 tỷ đồng lên 48.524 tỷ bằng chi trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành thêm.

Cụ thể, ngân hàng dự kiến phát hành 207,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 (tỷ lệ 5,2%), phát hành 281,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 (tỷ lệ 7%). Ngoài ra, BIDV dự kiến phát hành thêm 341,5 triệu cổ phần mới theo hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ. Thời gian thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu dự kiến trong quý III và quý IV/2021. Trong khi đó, việc chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ dự kiến trong giai đoạn 2021 - 2022 sau khi được chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ban lãnh đạo Ngân hàng cho biết, để chuẩn bị cho đợt chào bán cổ phiếu tăng vốn, BIDV đã tiếp xúc với rất nhiều nhà đầu tư tiềm năng. "Đã có khá nhiều nhà đầu tư, quỹ đầu tư quan tâm đến cổ phiếu của BIDV nhưng do dịch Covid-19 nên họ đang cân nhắc đầu tư", người đứng đầu Ngân hàng cho biết.

Một vấn đề khác mà cổ đông quan tâm là việc BIDV chuyển đổi chi nhánh ở Yangon, Myanmar thành ngân hàng con trong bối cảnh chính trị bất ổn tại quốc gia này.

Lãnh đạo BIDV cho biết, Myanmar là thị trường tiềm năng, BIDV đã mở chi nhánh tại đây cách đây hơn 10 năm. Việc chuyển đổi thành ngân hàng con thay vì chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ cho phép mở rộng được khách hàng, chứ không bó buộc là các doanh nghiệp FDI. Đồng thời cho phép Ngân hàng nhận tiền gửi bằng đồng bản tệ, hoàn thiện cơ chế hình thành ngân hàng độc lập,… Người đứng đầu BIDV, cho biết Myanmar, Lào, Campuchia là địa bàn chiến lược của BIDV trong tương lai.

Tín dụng và huy động vốn giảm trong 2 tháng đầu năm

Chia sẻ về kết quả kinh doanh trong 2 tháng đầu năm 2021, lãnh đạo Ngân hàng cho biết, so với thời điểm đầu năm, tổng tài sản tăng thêm 2,1%, tín dụng giảm 0,87% và huy động vốn giảm 2,5% do tính chu kỳ của các tháng đầu năm và ảnh hưởng bởi Covid-19. Tỷ lệ nợ xấu vào cuối tháng 2 ở mức 1,58%, trong đó nợ nhóm 2 là 1,45%.

Năm 2021, BIDV đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 13.000 tỷ đồng, tăng tới 44% so với năm 2020. Tuy vậy, lãnh đạo Ngân hàng nhấn mạnh mục tiêu lợi nhuận phải phải đảm bảo phù hợp với diễn biến của thị trường, năng lực của BIDV trước tác động của dịch Covid-19 và điều chỉnh trên cơ sở phê duyệt kế hoạch tài chính của Ngân hàng Nhà nước.

Lãnh đạo BIDV chia sẻ, động lực lớn nhất để hoàn thành kế hoạch kinh doanh tham vọng đến từ việc tiết kiệm chi phí thông qua gia tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn CASA lên tối thiểu 16% từ mức 14,5%. Bên cạnh đó, thu nhập lãi thuần dự kiến tăng khoảng 19%, thu dịch vụ ròng dự kiến tăng 16 - 17%, đồng thời tiếp tục xu hướng tích cực trong thu nợ ngoại bảng, dự kiến khoảng 8.000 tỷ đồng.

Dư nợ tín dụng kế hoạch tăng trưởng 10 - 12%, huy động vốn tăng trưởng phù hợp với sử dụng vốn, cân đối với tốc độ tăng trưởng tín dụng, dự kiến khoảng 12 - 15%. Nợ xấu duy trì dưới mức 1,6%. Tỷ lệ chi trả cổ tức dự kiến không thấp hơn mức thực hiện 2020.

Chuyên đề