Đề xuất kéo dài kỳ hạn trái phiếu chỉ là giải pháp ngắn hạn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương trình dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Theo tin từ Bộ Tài chính, Dự thảo Nghị định đang được tiếp tục hoàn thiện và dự kiến trình Chính phủ trong tuần sau.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Tại bản mới nhất được Bộ Tài chính gửi Bộ Tư pháp lấy ý kiến thẩm định, dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP (Nghị định số 65) đề xuất, giãn thời gian thực hiện trong vòng 1 năm đối với quy định xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; giãn thời gian thực hiện trong vòng 1 năm đối với quy định yêu cầu xếp hạng tín nhiệm bắt buộc và quy định giảm thời gian phân phối trái phiếu; cho phép các trái phiếu đã phát hành trước đây được kéo dài kỳ hạn của trái phiếu.

Góp ý cho dự thảo này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề nghị làm rõ quy định gia hạn trái phiếu là định hướng dài hạn hay mang tính tình thế; doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư có được thỏa thuận kéo dài kỳ hạn trả lãi không; đánh giá tác động đối với nhà đầu tư vì có thể tác động xấu đến tâm lý của các nhà đầu tư không đồng ý thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu. Ngoài ra, đề nghị bổ sung quy định do việc gia hạn trái phiếu sẽ làm thay đổi về trích lập dự phòng và phân loại nợ đối với số tiền đầu tư trái phiếu của tổ chức tín dụng (TCTD), công ty chứng khoán.

Theo ước tính của FiinRatings, đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sẽ có điểm rơi vào năm 2023 và 2024, tương đương 157,97 nghìn tỷ đồng và 341,27 nghìn tỷ đồng.

Về nội dung này, Bộ Tài chính cho biết, quy định kéo dài kỳ hạn của trái phiếu đã phát hành trước đây là giải pháp ngắn hạn trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó khăn về cân đối nguồn lực để trả nợ, trong khi khối lượng trái phiếu đáo hạn đạt đỉnh giai đoạn 2023 - 2024. Do đó, tại dự thảo Nghị định, đã quy định việc kéo dài kỳ hạn của trái phiếu đã phát hành trước đây đối đa không quá 2 năm.

Tiếp thu ý kiến của NHNN, bên cạnh việc kéo dài kỳ hạn trả nợ gốc, doanh nghiệp phát hành có thể cần đàm phán với nhà đầu tư về phương thức, kỳ hạn trả lãi, thay đổi tài sản đảm bảo hoặc thay đổi các điều kiện, điều khoản khác của trái phiếu. Theo đó, tại dự thảo Nghị định, ngoài quy định cho phép kéo dài kỳ hạn, đã bổ sung quy định cho phép thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu.

Cụ thể, đối với các trái phiếu phát hành theo quy định tại Nghị định số 65 đã có quy định về việc thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu. Trong khi đó, đối với trái phiếu phát hành trước đây, việc thay đổi điều kiện, điều khoản, gia hạn trái phiếu phải được các chủ sở hữu trái phiếu đại diện trên 65% tổng số trái phiếu đang lưu hành chấp thuận (như quy định hiện hành), quy định này thống nhất với quy định đối với trái phiếu chào bán ra công chúng nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.

Đối với các nhà đầu tư không chấp thuận thay đổi điều kiện, điều khoản, gia hạn trái phiếu, doanh nghiệp phát hành có phương án đàm phán với nhà đầu tư, trường hợp không đạt được đồng thuận thì doanh nghiệp phải thanh toán đầy đủ gốc, lãi trái phiếu khi trái phiếu đến hạn cho nhà đầu tư theo phương án phát hành đã công bố, theo đó đã đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu như ý kiến đề nghị của NHNN.

Ngoài ra, đối với quy định về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro, đây là các quy định để đảm bảo an toàn hoạt động, an toàn tài chính nên phụ thuộc vào đặc thù hoạt động của từng loại hình doanh nghiệp và được quy định tại pháp luật về tổ chức và hoạt động của từng loại hình doanh nghiệp (TCTD, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm, doanh nghiệp thông thường…), không thuộc phạm vi quy định của pháp luật về trái phiếu doanh nghiệp. Do đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ không quy định tại dự thảo Nghị định.

Ảnh Internet

Ảnh Internet

Theo ước tính của FiinRatings, đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sẽ có điểm rơi vào năm 2023 và 2024, tương đương 157,97 nghìn tỷ đồng và 341,27 nghìn tỷ đồng. Thị trường có thể chứng kiến thêm nhà phát hành mất khả năng thanh toán, đặc biệt là doanh nghiệp liên tục tăng cường đòn bẩy trong ít nhất 3 năm và có dòng tiền yếu.

Tuy nhiên, FiinRatings kỳ vọng, áp lực đáo hạn sẽ được giải tỏa nếu dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 65 cho phép gia hạn nợ được thông qua.

Nhìn về khía cạnh tích cực, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sắp tới sẽ bước vào chu kỳ mới với nhiều thay đổi cốt lõi, giúp kênh vốn này phát triển bền vững hơn. Tuy còn nhiều khó khăn, song đây là cơ hội để sàng lọc sức khỏe tài chính của các chủ thể tham gia.

Việc kênh vốn này bị kiểm soát chặt hơn đã hỗ trợ cơ quan quản lý nhận diện các doanh nghiệp yếu kém để có các biện pháp khu trú riêng. Mặt khác, các đơn vị phát hành với năng lực tài chính mạnh và mô hình kinh doanh tốt có thể tận dụng thời cơ để mở rộng thị phần kinh doanh của mình trong kỳ kinh doanh sắp tới.

Loạt vi phạm vừa qua đã gây tâm lý xáo trộn không đáng có, song cũng giúp thành phần tham gia hiểu rõ hơn về các vấn đề của thị trường. Nhà đầu tư cũng được hỗ trợ bởi các quy định mới, trong đó yêu cầu đơn vị phát hành, định chế trung gian công bố thông tin về tình hình tài chính và hồ sơ chào bán TPDN.

FiinRatings kỳ vọng, tình hình minh bạch thông tin sẽ được cải thiện dần với sự phát triển của hệ thống giao dịch thứ cấp tập trung vào năm sau, và cơ sở nhà đầu tư sẽ chuyển dịch sang các định chế tài chính.

Chuyên đề