Cắt hơn 5.800 tỷ vốn nước ngoài

(BĐT) - Chính phủ vừa báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về phương án cắt giảm vốn nước ngoài năm 2016 đối với các bộ, ngành, địa phương đến ngày 30/11/2016 chưa giải ngân được 50% kế hoạch. Sự kiên quyết của Chính phủ được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh giải ngân, sử dụng hiệu quả hơn nguồn vốn này
Việc cắt giảm phần vốn đã phân bổ cho các dự án giải ngân chậm và điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Ảnh: Lê Tiên
Việc cắt giảm phần vốn đã phân bổ cho các dự án giải ngân chậm và điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Ảnh: Lê Tiên

Không để vốn ứ đọng

Theo số liệu của Bộ Tài chính và các bộ, ngành trung ương và địa phương, đến 30/11/2016, các bộ, ngành trung ương và địa phương giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 là 36.006,058 tỷ đồng, đạt 74,9% kế hoạch, trong đó có 9 bộ, ngành trung ương và 26 địa phương giải ngân dưới 50% kế hoạch.

Do thời gian giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 còn rất ngắn (chỉ được phép giải ngân đến ngày 31/1/2017), Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 đến ngày 30/11/2016 dưới 50% kế hoạch vốn được giao phải cắt giảm kế hoạch vốn nước ngoài.

Báo cáo UBTVQH, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Thế Phương cho biết, đến ngày 19/12/2016 có 5 bộ, ngành trung ương (Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc) và 7 địa phương (Quảng Ninh, Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Bình Dương, Hậu Giang, An Giang) đề xuất cắt giảm kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 là 2.296,2 tỷ đồng. Trường hợp của Bình Dương, tuy đến ngày 30/11/2016 giải ngân đạt 67,3% kế hoạch nhưng có văn bản đề nghị cắt giảm kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 do không có khả năng giải ngân kế hoạch đến hết ngày 31/1/2017 số vốn là 60 tỷ đồng. Còn Bộ GD&ĐT đề xuất cắt giảm 230,156 tỷ đồng vẫn thấp hơn số vốn tối thiểu phải cắt giảm theo đúng chỉ đạo (phải cắt giảm thêm 494,27 tỷ đồng).

Các bộ, ngành, địa phương còn lại giải ngân dưới 50% kế hoạch chưa có báo cáo đề xuất cắt giảm kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016. Số vốn Chính phủ chỉ đạo cắt giảm đối với các bộ, ngành và địa phương này và cắt giảm thêm đối với Bộ GD&ĐT là 2.920,14 tỷ đồng.

Tổng số vốn dự kiến cắt giảm kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 là 5.854,91 tỷ đồng, bao gồm cả 638,5 tỷ đồng chưa giao kế hoạch do không có nhu cầu sử dụng hoặc chưa hoàn thành thủ tục đầu tư.

Cùng với việc cắt giảm, Tờ trình của Chính phủ cũng đề xuất bổ sung vốn cho các bộ, ngành, địa phương đến 30/11/2016 giải ngân được 80% kế hoạch vốn nước ngoài trở lên nếu có nhu cầu bổ sung vốn cho các dự án kết thúc hiệp định trong năm 2016 và các dự án kết thúc hiệp định sau năm 2016 đã có khối lượng thực hiện, cần bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và đến ngày 30/1/2017 giải ngân được hết số vốn bổ sung. Đến ngày 19/12/2016, có 4 bộ, ngành và 17 địa phương đề xuất bổ sung kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 là 14.235 tỷ đồng.

Chính phủ đã cân đối từ dự kiến cắt giảm và vốn chưa phân bổ, tổng kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 để bổ sung cho các dự án và nhiệm vụ mới 7.154,9 tỷ đồng. Việc bổ sung vốn sẽ theo các nguyên tắc, tiêu chí rõ ràng nhằm bảo đảm hoàn thành kế hoạch và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nước ngoài. 

Chậm giải ngân do nhiều nguyên nhân

Theo số liệu của Bộ Tài chính và các bộ, ngành trung ương và địa phương, đến 30/11/2016, các bộ, ngành trung ương và địa phương giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 là 36.006,058 tỷ đồng, đạt 74,9% kế hoạch, trong đó có 9 bộ, ngành trung ương và 26 địa phương giải ngân dưới 50% kế hoạch.
Tờ trình của Chính phủ cũng chỉ ra nhiều tồn tại trong việc giao kế hoạch, triển khai kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016. Đó là việc giao vốn ở một số dự án chưa sát với khả năng thực hiện và giải ngân; tiến độ thực hiện và giải ngân chưa đồng đều, một số bộ, ngành, địa phương giải ngân cơ bản hết kế hoạch, nhưng một số ít giải ngân rất thấp.

Nguyên nhân giải ngân chậm chủ yếu do có sự khác biệt trong công tác đấu thầu giữa thủ tục trong nước và nhà tài trợ, lúng túng trong triển khai thực hiện một số quy định mới của Luật Xây dựng, giải phóng mặt bằng còn chậm, năng lực ban quản lý một số dự án còn hạn chế, một số dự án vốn đối ứng không đủ...

Ngoài ra, từ năm 2016, cơ chế giao và thực hiện kế hoạch thay đổi cũng dẫn đến một số khó khăn nhất định trong năm đầu thực hiện. Nhiều bộ, ngành, địa phương dự kiến kế hoạch vốn nước ngoài không chính xác, do vẫn cho rằng đặt kế hoạch cao hay thấp không ảnh hưởng đến giải ngân dự án, giải ngân là theo hiệp định đã ký kết với các nhà tài trợ.

Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh huy động vốn đầu tư, đặc biệt là vốn vay gặp nhiều khó khăn, nhiều dự án cấp thiết đang cần được bổ sung vốn để hoàn thiện thì tình trạng không giải ngân, đọng vốn chủ yếu xuất phát từ các nguyên nhân chủ quan là biểu hiện lãng phí, kém hiệu quả trong sử dụng vốn. Việc Chính phủ trình UBTVQH cắt giảm phần vốn đã phân bổ cho các dự án có tiến độ giải ngân chậm và điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 với tổng số vốn dự kiến điều chỉnh 7.154,91 tỷ đồng là cần thiết nhằm góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.

UBTVQH đã nhất trí với đề xuất cắt giảm và điều chuyển kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 do Chính phủ trình và sẽ ban hành nghị quyết về vấn đề này.

Chuyên đề