Cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 1) được đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2010 |
Dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 1) gồm một cầu phía thượng lưu với bề rộng mặt cắt ngang 19,2 m và đường dẫn hai đầu cầu có tổng mức đầu tư 3.597 tỷ đồng, đã triển khai thi công hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2010.
Giai đoạn 2 của dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy được UBND TP. Hà Nội phê duyệt với quy mô hoàn thiện toàn bộ mặt cắt cầu bằng một cây cầu nữa với thiết kế và hình dáng giống như cầu Vĩnh Tuy trước đó với chiều dài cầu khoảng 3.504 m, bề rộng 19,2 m, có tổng mức đầu tư khoảng 2.561 tỷ đồng bằng nguồn vốn đầu tư ngân sách Thành phố, hoàn thành trong giai đoạn 2013-2015.
Tuy nhiên, sau đó, Hà Nội đã đình giãn, hoãn tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công giai đoạn 2013-2015, trong đó có dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2) với lý do thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách Nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ.
Hiện nay, Hà Nội đang chỉ đạo triển khai thực hiện đầu tư mở rộng tuyến đường vành đai 2 đoạn từ Ngã Tư Sở đến cầu Vĩnh Tuy theo quy hoạch (bao gồm cả mở rộng mặt cắt dưới đất và xây dựng đường trên cao), do vậy lưu lượng các phương tiện tham gia giao thông tập trung về cầu Vĩnh Tuy ngày càng tăng.
Để giải quyết tình trạng trên, UBND Thành phố xác định dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 thuộc danh mục công trình trọng điểm giai đoạn 2016-2020, chấp thuận điều chỉnh hình thức đầu tư dự án theo hợp đồng BT.
Theo quy định Chính phủ, nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện dự án sẽ hoàn trả các chi phí lập, thẩm định, phê duyệt đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi; chi phí tổ chức lựa chọn nhà đầu tư và chi phí hoạt động của đơn vị quản lý dự án thuộc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, bao gồm chi phí giám sát thực hiện hợp đồng dự án chất lượng công trình.
Cơ quan lập đề xuất dự án đã đề xuất sử dụng quỹ đất đối ứng còn dư của dự án xây dựng nút giao thông trung tâm quận Long Biên theo hình thức hợp đồng BT, bao gồm khai thác quỹ đất 34 ha tại xã Dương Xá và 78,4 ha tại xã Đông Dư (huyện Gia Lâm); quỹ đất tại các phường Long Biên và Cự Khối (quận Long Biên) với diện tích khoảng 320 ha; quỹ đất bổ sung thêm khoảng 135 ha ngoài bãi sông Hồng, về cơ bản có khả năng cân đối với giá trị công trình BT.
“Như vậy, dự án đủ điều kiện chuyển đổi hình thức đầu tư theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ,” lãnh đạo UBND TP. Hà Nội khẳng định.
Do dự án thuộc danh mục công trình trọng điểm giai đoạn 2016 -2020, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành cùng với dự án xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường vành đai 2 đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở, UBND TP. Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận chủ trương chuyển đổi hình thức đầu tư dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 theo hình thức PPP, hợp đồng BT.
Hà Nội cũng đề nghị cho phép được lựa chọn nhà đầu tư theo cơ chế đặc thù để đàm phán, ký kết hợp đồng dự án và chịu trách nhiệm hoàn toàn về kết quả lựa chọn; cho phép nhà đầu tư được lựa chọn hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi, trình phê duyệt điều chỉnh đồng thời với phê duyệt phương án chuyển đổi hình thức đầu tư dự án.
Khi được Thủ tướng chấp thuận các nội dung đề xuất trên, UBND TP. Hà Nội sẽ chỉ đạo hoàn thiện thủ tục để có thể khởi công án trong năm 2017, sớm thực hiện hoàn thành dự án, góp phần giải quyết nhu cầu giao thông trên tuyến, tạo diện mạo văn minh đô thị.