Đó là một phần nội dung trong Đề án “Nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển hệ thống vận tải công cộng bằng xe buýt ở Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025” mà UBND thành phố Hà Nội vừa giao Tổng Công ty Vận tải Hà Nội khảo sát, nghiên cứu và đề xuất lộ trình thực hiện.
Theo đó, đề xuất lộ trình giải pháp thực hiện để nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt ở Hà Nội trong giai đoạn này sẽ tăng số lượng xe từ 1.200 - 1.400 xe gồm cả 3 loại xe lớn, vừa và nhỏ, theo tiêu chuẩn châu Âu, dần thay thế xe Daewoo; chuyên môn hóa bộ phận khảo sát xây dựng, thiết kế các tuyến chạy xe và tổ chức mạng lưới chạy xe.
UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Tổng Công ty Vận tải Hà Nội đánh giá lại thực trạng hệ thống vận tải hành khách công cộng, từ đó đề ra giải pháp nâng cao chất lượng vận tải xe buýt. Việc đánh giá gồm các nội dung chất lượng xe, mất an toàn và an ninh trật tự trên xe, văn hóa và thái độ phục vụ của lái xe và phụ xe, dịch vụ trên xe, mở thêm tuyến, lộ trình chạy xe; hình thức và dịch vụ bán vé, công tác quản lý điều hành...
Tiêu chuẩn hóa độ tuổi và tính cách của lái xe; cung cấp dịch vụ wifi trong xe; đổi mới phương thức bán vé; thay đổi logo và màu sắc xe dễ nhận diện. Phối hợp với Sở Giao thông vận tải tổ chức giao thông và phân luồng để đảm bảo lộ trình chạy xe, tổ chức quản lý xe và hành trình chạy xe thông minh, hiệu quả giảm chi phí và chống thất thoát… để xe buýt thực sự chuyên nghiệp, thuận tiện, thân thiện, an toàn cho nhân dân.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng với điều kiện của Hà Nội, trong 5-10 năm tới, dù có thêm một số loại hình vận tải mới thì xe buýt thường vẫn giữ vai trò chủ lực trong hệ thống vận tải hành khách công cộng. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu đáp ứng 20-25% nhu cầu đi lại của người dân (tức là gấp đôi hiện nay), cùng với việc đầu tư phương tiện mới, thành phố cũng sẽ có thêm nhiều tuyến mới, mở rộng địa bàn phục vụ ra khu vực ngoại thành.