Dấu ấn những phát minh phụng sự nhân loại

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2021, Việt Nam thu hút sự quan tâm của giới khoa học toàn cầu khi lần đầu tiên ra mắt Quỹ VinFuture và công bố Giải thưởng VinFuture.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao Giải thưởng Chính VinFuture 2022 cho các nhà khoa học
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao Giải thưởng Chính VinFuture 2022 cho các nhà khoa học

Chia sẻ với cộng đồng, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Quỹ cho rằng, các biến cố của năm 2020 đã cho thấy, hơn bao giờ hết, chúng ta cần đồng hành với những trái tim và khối óc lỗi lạc đang nỗ lực phát huy sức mạnh của khoa học công nghệ, giúp thế giới vượt qua những thử thách cam go. Từ đây, VinFuture song hành cùng các giải thưởng lớn thế giới, thúc đẩy và tôn vinh những phát minh phụng sự nhân loại.

Tiếp thêm đam mê cống hiến

Ông Phạm Nhật Vượng tin rằng, khoa học công nghệ chính là động lực quan trọng nhất thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của nhân loại và giúp kiến tạo một cuộc sống bình an, thịnh vượng, hạnh phúc hơn cho mọi người. Từ tầm nhìn đó, Quỹ VinFuture được ra đời, nhằm vinh danh những trí tuệ xuất chúng, các phát minh có tiềm năng tạo ra sự thay đổi có ý nghĩa trên quy mô toàn cầu.

Năm thứ hai trao giải thưởng với chủ đề "Hồi sinh và Tái thiết", VinFuture 2022 vinh danh 4 công trình khoa học đột phá. Điểm chung xuyên suốt của các công trình là khả năng tạo ra sự hồi sinh và tái thiết, góp phần xây dựng nền tảng phát triển bền vững cho nhân loại sau 2 năm đại dịch vừa qua.

Giải thưởng Chính VinFuture 2022 trị giá 3 triệu USD đã được trao cho 5 nhà khoa học: Sir Timothy John Berners-Lee, TS. Vinton Gray Cerf, TS. Emmanuel Desurvire, TS. Robert Elliot Kahn, và GS. Sir David Neil Payne với các tầng phát minh đột phá trong việc kết nối công nghệ mạng toàn cầu. Suốt thời gian thế giới bị chia cắt do đại dịch, công nghệ mạng toàn cầu đã trở thành nền tảng kết nối nhân loại, thay đổi toàn diện phương thức giao tiếp và làm việc của hàng tỷ người trên khắp hành tinh.

Bên cạnh Giải thưởng Chính, VinFuture 2022 cũng trao 3 giải đặc biệt, mỗi giải trị giá 500.000 USD cho các nhà khoa học nghiên cứu lĩnh vực mới, nhà khoa học nữ và nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển. Trong đó, Giải Đặc biệt VinFuture 2022 dành cho Nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới đã được trao cho TS. Demis Hassabis (Vương quốc Anh) và TS. John Jumper (Hoa Kỳ) với công trình tiên phong về hệ thống trí tuệ nhân tạo giải mã protein AlphaFold 2, tạo nên cuộc cách mạng trong mô hình hóa cấu trúc protein, thúc đẩy những phát triển đột phá trong lĩnh vực y sinh, y tế và nông nghiệp.

AlphaFold 2 giúp rút ngắn thời gian xử lý công việc từ vài năm xuống chỉ còn vài ngày, thậm chí là vài phút, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vấn đề quan trọng trong đời sống. Công trình cũng đã cung cấp cơ sở dữ liệu về cấu trúc của hơn 200 triệu protein làm tài nguyên nghiên cứu cho hàng nghìn nhà khoa học khác trên thế giới.

Giải Đặc biệt VinFuture 2022 dành cho Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển đã vinh danh GS. Thalappil Pradeep (Ấn Độ) với hệ thống lọc nước nhiễm asen và kim loại nặng chi phí thấp. GS. Thalappil Pradeep đã phát hiện các hạt nano kim loại có thể phá vỡ liên kết đã kết nối và vận chuyển asen trong nước ngầm, giúp làm sạch nước ngầm với chi phí rất thấp. Đặc biệt, công trình có thể phát huy hiệu quả mà không cần sử dụng nguồn điện, mang lại lợi ích to lớn về sức khỏe cho hàng triệu hộ gia đình, nhất là ở các vùng sâu vùng xa.

Giải Đặc biệt VinFuture 2022 dành cho Nhà khoa học nữ đã ghi nhận công trình nghiên cứu đột phá của GS. Pamela Christine Ronald (Hoa Kỳ) trong việc phân lập gen Sub1A tạo điều kiện phát triển các giống lúa chịu ngập úng dài hạn. Đây là nghiên cứu quan trọng, không chỉ giúp giải quyết nhu cầu lương thực cho hàng trăm triệu người mà còn mang tới giải pháp bền vững cho những nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu trên thế giới.

Năm 2023, Giải thưởng VinFuture hướng tới vinh danh các phát minh, sáng kiến khoa học công nghệ giúp xây dựng một thế giới “Kiên cường và bứt phá”.

Dấu ấn những phát minh đột phá 2022

Trên thế giới, tháng 9/2022, Giải thưởng Đột phá (Breakthrough Prize) đã vinh danh các nhà khoa học tại 3 lĩnh vực: khoa học và đời sống, toán học, vật lý cơ bản.

Trong đó, đứng đầu danh sách Giải thưởng Đột phá về Khoa học đời sống là 2 nhà khoa học Clifford P. Brangwynne (Đại học Princeton và Học viện Y khoa Howard Hughes, Hoa Kỳ) và Anthony A. Hyman (Giám đốc điều hành Viện Max Planck về di truyền và sinh học tế bào phân tử, CHLB Đức) vì đã khám phá ra một cơ chế mới của tổ chức tế bào.

Với các nghiên cứu của mình, Clifford P. Brangwynne và Anthony A. Hyman đã chỉ ra rằng nhiều cấu trúc bên trong tế bào giống như những giọt mưa, nơi các phân tử ngưng tụ từ môi trường xung quanh và kết hợp lại với nhau do tính chất vật lý của sự phân tách pha. Những chất lỏng ngưng tụ không có màng đóng vai trò quan trọng trong nhiều chức năng cơ bản của tế bào như tập hợp protein, biểu hiện gen, phản ứng miễn dịch với virus, tăng trưởng tế bào ung thư và nhiều quá trình khác.

Nghiên cứu của Clifford P. Brangwynne và Anthony A. Hyman đã làm thay đổi cách hiểu về tổ chức tế bào. Thông qua đó, mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới liên kết sinh học với khoa học vật liệu và kỹ thuật để tìm ra cách điều trị các căn bệnh nan y như ung thư, hội chứng xơ cứng teo cơ một bên (ALS) hay Alzheimer.

Giải thưởng thứ hai dành cho Demis Hassabis và John Jumper, hiện làm việc tại DeepMind. Hai nhà khoa học này là những người đứng đằng sau hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) AlphaFold có thể dự đoán chính xác cấu trúc 3D của hầu hết các loại protein đã biết đến trên hành tinh.

Kể từ khi DeepMind phát hành phiên bản nguồn mở của AlphaFold vào tháng 7/2021, hơn nửa triệu nhà nghiên cứu đã sử dụng hệ thống này để tạo ra hàng nghìn bài báo khoa học. Vào tháng 7/2022, DeepMind đã phát hành 200 triệu cấu trúc protein được dự đoán từ trình tự axit amin. Dữ liệu đã được các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới khai thác để giải quyết các vấn đề từ kháng thuốc kháng sinh cho đến khả năng phục hồi của cây trồng.

Giải thưởng Đột phá về Toán học được trao cho GS. Daniel Spielman (Đại học Yale, Hoa Kỳ), người đóng góp tích cực và mang lại nhiều lợi ích đáng kể trong các lĩnh vực tính toán, xử lý tín hiệu và kỹ thuật.

Nghiên cứu của Spielman đã dẫn đến vô số ứng dụng, từ hình ảnh y tế tốt hơn đến cải tiến thiết kế các thử nghiệm lâm sàng. Công việc của ông cũng đã giúp cách mạng hóa lĩnh vực mã sửa lỗi, cho phép các thiết bị liên lạc truyền thông tin chính xác hơn và có thể truyền tin ngay cả khi một phần của nó bị hỏng.

Giải thưởng Đột phá trong lĩnh vực Vật lý cơ bản được chia sẻ cho 4 nhà khoa học: Charles H. Bennett (Tập đoàn IBM, Hoa Kỳ), Gilles Brassard (Đại học Montréal, Canada), David Deutsch (Đại học Oxford, Vương quốc Anh) và Peter Shor (Viện Công nghệ Massachusetts, Hoa Kỳ). Đây là 4 gương mặt tiêu biểu trong số các nhà khoa học đầu tiên nhận ra tiềm năng đáng kinh ngạc của việc khai thác các hiện tượng lượng tử để xử lý thông tin lượng tử và mật mã. Họ cũng được coi là những người đặt nền móng cho lĩnh vực thông tin lượng tử.

Chuyên đề