Danh mục quốc gia dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài: Vì sao nhiều dự án chưa hấp dẫn giới đầu tư nước ngoài

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Danh mục Dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài đến năm 2020 (gọi tắt là Danh mục 2014) được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2014 với 127 dự án. Tuy nhiên, đến nay hơn 70% số dự án không thu hút được nhà đầu tư nước ngoài, nhiều nhà đầu tư chỉ dừng lại ở mức độ quan tâm…
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Nhiều dự án chưa thành hình

Trong những năm vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần công bố danh mục dự án gọi vốn đầu tư qua các giai đoạn khác nhau nhằm tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư có thông tin và tiếp cận cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Gần đây nhất là Danh mục 2014 được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2014 với 127 dự án kêu gọi đầu tư vào 5 lĩnh vực lớn: kết cấu hạ tầng kỹ thuật; kết cấu hạ tầng xã hội, nông nghiệp; bảo quản, chế biến; các lĩnh vực sản xuất - dịch vụ. Danh mục 2014 được sử dụng làm tài liệu xúc tiến đầu tư trong hầu hết các sự kiện xúc tiến đầu tư của các bộ, ngành, địa phương nhằm giới thiệu và cung cấp thông tin kêu gọi đầu tư tới các tập đoàn, doanh nghiệp.

Nhiều năm qua, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã bày tỏ quan tâm tới các dự án trong Danh mục, nhưng đa phần mới chỉ dừng lại ở nghiên cứu, khảo sát thị trường. Danh mục 2014 dù đã cố gắng bám sát mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong từng thời kỳ, nhưng đến thời điểm hiện tại nhiều dự án nằm trong danh mục vẫn chưa kêu gọi được nhà đầu tư nên phải chuyển sang sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc vốn đầu tư trong nước. Có một số dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng không thể thực hiện dự án do năng lực nhà đầu tư yếu, hoặc do cơ chế chính sách, quy hoạch thay đổi…

Theo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Danh mục 2014 đã thu hút được các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài triển khai thực hiện 33/127 dự án, chiếm khoảng 26% về số dự án, với tổng số vốn đầu tư khoảng 9 tỷ USD, chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, bảo quản chế biến và năng lượng. Danh mục 2014 vẫn còn 85 dự án chưa thực hiện là các dự án kết cấu hạ tầng kỹ thuật và kết cấu hạ tầng xã hội… và 9 dự án của Hà Nội chưa gửi báo cáo.

Vì sao nhà đầu tư nước ngoài chưa mặn mà

Theo Bộ KH&ĐT, việc không thu hút được có nguyên nhân khách quan do một số dự án thuộc Danh mục sau một thời gian ban hành đã không còn khả thi để triển khai thực hiện do thị trường, công nghệ, quy hoạch thay đổi hoặc đã được cơ quan có thẩm quyền dừng triển khai như Dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong.

Nguyên nhân chủ quan cũng có nhiều. Đó là Danh mục 2014 chủ yếu là các dự án kết cấu hạ tầng giao thông với 19 dự án về hạ tầng đường bộ, đường sắt, cảng hàng không, cảng biển, đều đòi hỏi nguồn vốn lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài nhưng thiếu những chính sách khuyến khích đầu tư hấp dẫn và đặc biệt là chưa có cơ chế chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư theo thông lệ quốc tế.

Các dự án kết cấu hạ tầng giao thông nằm trong Danh mục hầu hết đã được chuyển sang đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc đầu tư bởi các nhà đầu tư trong nước.

Đối với các dự án trong lĩnh vực cảng biển do hạn chế liên quan đến hạ tầng phụ trợ (các tuyến luồng hàng hải công cộng vào các cảng biển, chủ yếu luồng một làn; nhiều đoạn chưa được cải tạo; công tác duy tu, bảo dưỡng luồng hàng hải chưa được bố trí đủ ngân sách để đảm bảo duy trì độ sâu thiết kế,…). Bên cạnh đó, dịch vụ logistics ở mức trung bình, kém phát triển, chi phí cao, cơ sở hạ tầng cho phát triển dịch vụ logistics còn hạn chế; kết cấu giao thông vận tải chưa hoàn chỉnh, năng lực vận chuyển thấp…

Nguồn lực, kinh phí chuẩn bị và các thủ tục để kêu gọi đầu tư đối với các dự án lớn không có, mới chỉ có danh mục dự án, các điều kiện liên quan hầu như chưa có và không cụ thể. Việc đánh giá, lựa chọn giải pháp công nghệ, mô hình quản lý phù hợp còn nhiều khó khăn.

Nhiều dự án đã được các nhà đầu tư quan tâm tiến hành khảo sát, nghiên cứu nhưng chưa lựa chọn được nhà đầu tư có uy tín, năng lực, kinh nghiệm và khả năng tài chính, sở hữu công nghệ sản xuất hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường thật sự quyết tâm, triển khai đầu tư.

Chuyên đề