Thủ tục kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật còn tốn nhiều thời gian và chi phí cho doanh nghiệp (ảnh internet) |
Theo Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), hiện tất cả các sản phẩm thực phẩm chứa sản phẩm có nguồn gốc động vật nhập khẩu vào Việt Nam dù đã có giấy chứng nhận y tế của nước xuất khẩu nhưng vẫn phải kiểm dịch 100% mới được thông quan. Với quy định này, bất kể là động vật tươi sống hay đã qua chế biến hay chỉ chứa một phần có nguồn gốc động vật như: Đạm, sữa…phải kiểm dịch động vật. Thậm chí, một cái bánh quy hay một gói cà phê sữa trong thành phần có chứa vài giọt sữa, hoặc sản phẩm dinh dưỡng y tế vốn an toàn vì đã qua xử lý nhiệt và thành phần chỉ có chứa một lượng nhỏ đạm chiết xuất từ sữa thì vẫn phải kiểm dịch động vật. “Đây là bất cập tại Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT và Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT cần được tháo gỡ để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN)”, đại diện Eurocham nhấn mạnh.
Hơn nữa, việc kiểm tra còn theo kiểu “dàn hàng ngang” 100% không dựa theo nguyên tắc quản lý rủi ro và thông lệ quốc tế gây nhiều bất cập cho cả cơ quan quản lý nhà nước cũng như cộng đồng DN. Việc kiểm tra không đáp ứng được mục tiêu giảm thời gian, tỷ lệ kiểm tra chuyên ngành đề ra trong Nghị quyết 19 của Chính phủ trong 3 năm gần đây.
Sửa đổi những bất cập, hạn chế này, mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã dự thảo 2 thông tư sửa đổi Thông tư nêu trên. Đánh giá ban đầu cho thấy, về tổng thể, 2 dự thảo sửa đổi đã có những bước tiến bộ khi đưa ra hướng quản lý mới. Đó là quản lý theo rủi ro với việc chia ra mặt hàng nguy cơ cao và nguy cơ thấp để có tần suất kiểm tra khác nhau. Tuy nhiên, qua dự thảo cho thấy vẫn còn có nhiều dư địa để tiếp tục cải tiến hơn nữa. “Thay vì kiểm tra 05 lô thì kiểm tra 01 lô hoặc kiểm tra ngẫu nhiên 01 lô còn các lô khác kiểm tra hồ sơ là đủ. Trường hợp phát hiện không đạt thì tiến hành kiểm tra các lô”, Eurocham gợi ý.
Lên tiếng về vấn đề này, ý kiến của nhiều hiệp hội doanh nghiệp cũng cho rằng, hiện phí kiểm dịch động vật vẫn quá cao, gây khó khăn, tốn kém cho doanh nghiệp. Chẳng hạn như tình trạng chờ kiểm dịch ở cảng mất tới 1-2 tuần, tốn kém hàng triệu ngày công và lãng phí hàng triệu tỷ đồng, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, song không mang lại bất kỳ lợi ích nào. Theo Thông tư số 285/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính về quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý phí, lệ phí trong công tác thú y và Quyết định số 1767/QĐ-TYV6 ban hành danh mực chi tiết và mức giá dịch vụ kiểm tra vệ sinh thú y tại cơ quan thú y vùng VI, Cơ quan này sẽ chủ động thu phí xét nghiệm cho từng mặt hàng và các doanh nghiệp sẽ đóng lệ phí kiểm dịch theo quy định. Song, mức phí theo quy định mới này rất cao và chênh lệch lớn so với mức phí theo quy định cũ. Ông Phạm Thanh Bình, nguyên Cục trưởng Cục Giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan cho biết, hiện một lô hàng nhập khẩu cho sản phẩm nông nghiệp ở Việt Nam mất phí và giá kiểm nghiệm hàng trăm triệu đồng…
Trước vấn đề này, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, trong lĩnh vực này vẫn còn nhiều dư địa cải cách. Đối với việc xây dựng các văn bản thực thi, quy trình thủ tục phải hợp lý, khả thi, đơn giản và dễ thực hiện.