Phạm Công Danh bị đề nghị 30 năm tù. |
Ngày 30/7, TAND TPHCM tiếp tục phiên xử bị cáo Phạm Công Danh (sinh năm 1965, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VNCB, tập đoàn Thiên Thanh), Trầm Bê (cựu Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank) và 44 người khác về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Sau 1 tuần xét xử phiên tòa kết thúc phần xét hỏi, trước khi bước vào phần tranh luận, đại diện Viện KSND TPHCM kết luận vụ án và đề nghị mức án đối với từng bị cáo.
Theo cáo trạng, sau khi tiếp nhận ngân hàng Đại Tín, Phạm Công Danh đã đổi tên thành ngân hàng Xây Dựng (VNCB) và điều hành không hiệu quả khiến ngân hàng này lỗ nặng, buộc ngân hàng nhà nước phải đặt VNCB dưới sự quản lý đặc biệt, mọi giao dịch trên 5 tỉ đồng phải báo cáo lại cho tổ giám sát.
Tại phiên tòa đã làm rõ vai trò của Phạm Công Danh là người trực tiếp gặp các lãnh đạo ngân hàng và thông qua Nguyễn Việt Hà đã móc nối lãnh đạo ngân hàng TPBank, BIDV, Sacombank để vay tiền.
Phan Thành Mai với vai trò tổng giám đốc VNCB được Danh giao cho nhiệm vụ cân đối các nguồn tiền của VNCB. Mai đã dùng nguồn tiền gửi từ thị trường 1 và dùng tiền này gửi tại các ngân hàng làm tài sản đảm bảo cho 29 khoản vay.
Mai Hữu Khương và Hoàng Đình Quyết là người làm theo chỉ đạo của Phạm Công Danh, Phan Thành Mai làm thủ tục vay vốn tại các ngân hàng nhằm rút tiền ra khỏi VNCB.
Nguyễn Việt Hà là giám đốc Quỹ Lộc Việt, Hà nhiều lần vào TPHCM để gặp Danh, Mai để bàn bạc thống nhất kế hoạch tạo hồ sơ giả phát hành trái phiếu của tập đoàn Thiên Thanh nhằm rút tiền ra khỏi ngân hàng. Lời khai của Hà phù hợp với lời khai của Nguyễn Kim Cẩm Vân, Vũ Viết Minh Quân, Nguyễn Hoài Thanh… Có đủ cơ sở xác định Nguyễn Việt Hà tiếp tay cho Phạm Công Danh gây thiệt hại 903 tỉ đồng.
Trầm Bê có mối quan hệ thân thiết, biết rõ Danh không không thể vay tiền tại VNCB nên khi Danh có nhu cầu vay tiền thông qua các hợp đồng tiền gửi tại Sacombank đã chỉ đạo Phan Huy Khang cho Phạm Công Danh vay số tiền 1.800 tỉ đồng.
Trầm Bê được đề nghị mức án nhẹ hơn phiên tòa lần trước.
Với nhóm bị cáo đứng tên giúp Phạm Công Danh vay tiền tại 3 ngân hàng gây thiệt hại cho ngân hàng VNCB hơn 6.000 tỉ đồng, khi lượng hình, HĐXX đã xem xét các bị cáo thành khẩn khai báo, chỉ là người làm công ăn lương, không có hưởng lợi gì, nhiều bị cáo gia đình có công với cách mạng. Vì vậy, cần xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.
Tại phiên toà, các luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh đề nghị đối trừ 4.500 tỉ đồng mà nhóm Danh đã lấy từ 6.126 tỉ đồng (khoản tiền được xác định là các bị cáo gây thiệt hại cho VNCB) để tăng vốn điều lệ cho VNCB.
Tuy nhiên, tại phiên toà, đại diện CB (VNCB cũ) cho biết số tiền 4.500 tỉ đồng này đã hoà vào dòng tiền chung của VNCB nên không thể bóc tách ra được, hơn nữa, số tiền này đã được sử trong giai đoạn Danh làm chủ tịch HĐQT. Theo bản án được xác định ở giai đoạn 1, tại thời điểm khởi tố vụ án, vốn chủ sở hữu VNCB là âm hơn 18.000 tỉ đồng, tổng nợ phải trả là khoảng 38.000 tỉ đồng nên việc các bị cáo và luật sư yêu cầu đối trừ là không có căn cứ.
Liên quan tới số tiền 6.120 tỉ đồng, đại diện Viện KSND TPHCM giữ nguyên quan điểm của Viện KSND Tối cao, xác định TPBank, Sacombank, BIDV cho Phạm Công Danh vay sai với quy định nhà nước gây thiệt hại cho VNCB (hiện nay là CB). Vì vậy, cần xem xét đề nghị thu hồi số tiền này từ 3 ngân hàng trên về cho VNCB.
Đồng thời, đại diện Viện KSND TPHCM đề nghị Phạm Công Danh và tập đoàn Thiên Thanh có trách nhiệm liên đới bồi thường số tiền 6.120 tỉ đồng trên cho 3 ngân hàng TPBank, Sacombank, BIDV.
Đại diện Viện KSND TPHCM đề nghị HĐXX giải tỏa kê biên căn nhà số 591 An Dương Vương, phường An Lạc A quận Bình Tân trả lại cho bà Viên Tú Anh (chị vợ bị cáo Trầm Bê) do không liên quan tới vụ án này. Còn căn nhà tại số 601 Hồng Bàng, phường 6 quận 6 do Trầm Bê làm chủ, đại diện Viện KSND TPHCM cũng đề nghị HĐXX xem xét giải tỏa kê biên cho Trầm Bê.